Đâu là những nước đầu tiên nhận được vaccine phòng COVID-19 của WHO?

WHO khẳng định Campuchia nằm trong số các quốc gia sẽ nhận được vaccine phòng COVID-19 khi nguồn thuốc chính thức được công bố.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 22/10, tờ Khmer Times dẫn lời bà Or Vandine, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, cho biết khi chính thức công bố vaccine phòng COVID-19, WHO sẽ cung cấp một lượng vaccine đủ đáp ứng 3% dân số Campuchia, tương đương hơn 500.000 người. Theo WHO, Campuchia không thể một lúc nhận được tất cả số vaccine cần thiết vì chương trình sẽ phân phối theo từng giai đoạn với số lượng hạn chế cho các nước trên toàn thế giới.

Vaccine phòng COVID-19 được giới thiệu tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 24/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Vandine cũng cho biết WHO, Liên minh Vaccine và miễn dịch toàn cầu, và Chương trình Miễn dịch quốc gia của Bộ Y tế Campuchia đã nhất trí thiết lập một chương trình để xem xét vaccine sẽ được phân phối ra sao và những đối tượng nào được ưu tiên trước. Do vaccine ban đầu không đủ để đáp ứng cho nhu cầu, nên Bộ Y tế Campuchia và WHO tiếp tục khuyến cáo người dân tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Ngày 21/10, Bộ trưởng Y tế Tunisia Faouzi Mehdi thông báo nước này cũng sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên nhận được vaccine phòng COVID-19.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tunis, Bộ trưởng Mehdi nêu rõ Tunisia đã phối hợp với WHO cũng như các nhà tài trợ và đã huy động được nguồn tài chính cần thiết để mua vaccine sớm nhất khi nó được đưa ra thị trường.

Theo ông Mehdi, tình hình dịch bệnh hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này đang rất nghiêm trọng và tất cả các biện pháp chống dịch sẽ được áp dụng một cách nghiêm ngặt. Với 1.723 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, hiện Tunisia đã ghi nhận tổng cộng 44.450 ca, trong đó 711 ca tử vong. Thủ tướng Hichem Mechichi đã tuyên bố lệnh giới nghiêm tại toàn bộ 24 tỉnh trong cả nước bắt đầu từ ngày 20/10.

Trong khi đó, tại Ecuador, Bộ trưởng Y tế Carlos Zevallos thông báo nước này đã đạt được một số thỏa thuận mua 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Pfizer Inc (Mỹ) và đối tác BioNTech SE. (Đức); và 2 triệu liều khác của COVAX - một sáng kiến toàn cầu do WHO đứng đầu nhằm đảm bảo tiếp cận với nguồn vaccine toàn cầu một cách hiệu quả.

Hiện Ecuador đang nỗ lực để đảm bảo sẽ nhận được 4 triệu liều vaccine sớm nhất với mức giá phải chăng nhất.

Theo trang web của WHO, tính tới ngày 19/10, thế giới đã có tổng cộng 198 ứng cử viên vaccine đang được phát triển, trong đó 44 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Zakopane, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Châu Âu liên tục là điểm nóng dịch bệnh COVID-19 của thế giới khi số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh không ngừng gia tăng, thậm chí vượt qua những mức cao nhất trong làn sóng dịch đầu tiên.

Ba Lan đã ghi nhận 10.040 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 21/10, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát và nâng tổng số bệnh nhân lên 202.579 người, trong đó 3.851 ca tử vong.

Theo các cơ quan chức năng, phần lớn số ca nhiễm mới đều ở tỉnh miền Nam Lesser của nước này. Để giảm tải cho hệ thống y tế, Chính phủ Ba Lan đang phải xây dựng một bệnh viện dã chiến với sức chứa 500 - 1.000 giường ngay tại Sân vận động quốc gia.

Cùng ngày, Chính phủ Litva cũng quyết định áp đặt lệnh cách ly 2 tuần đối với 12 thành phố (bắt đầu từ ngày 26/10) để khống chế tốc độ lây lan của dịch bệnh. Theo kế hoạch, biện pháp cách ly theo từng khu vực sẽ có hiệu lực từ đêm 26/10 đến ngày 9/11. Trong thời gian này, các biện pháp khác cũng được áp đặt như hạn chế số hành khách trên các phương tiện công cộng, cấm tụ tập quá 5 người ở nơi công cộng, trừ trường hợp người trong cùng gia đình. Ngoài ra, nhân viên tại các cơ quan, công sở cũng được yêu cầu chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến. Đeo khẩu trang trở thành quy định bắt buộc đối với tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên tại các địa điểm công cộng, kể cả không gian công cộng trong nhà.

Trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng đang tăng trở lại, ngày 21/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các cơ quan chức năng nước này cần triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 trên phạm vi toàn quốc càng sớm càng tốt.

Phát biểu tại đại hội của Liên minh Các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga, Tổng thống Putin khẳng định: “Hiện đã có vaccine và ngoài việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, tiêm phòng là biện pháp cần thiết. Chúng ta cần triển khai việc tiêm chủng trên toàn quốc". Ông nhấn mạnh tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, quan trọng hơn việc xuất khẩu vaccine.

Tổng thống Putin cũng hối thúc các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào tiến trình sản xuất vaccine nhằm trước mắt là đáp ứng nhu cầu trong nước và sau đó mới hướng tới xuất khẩu. Theo ông, việc chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho các đối tác sản xuất vaccine ngay tại nước của họ là một hướng khả thi.

Theo TTXVN/Báo Tin tức