G20 với vai trò “đầu tàu” đưa kinh tế thế giới vượt qua “cơn bĩ cực” COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục càn quét toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại, gây tác động mạnh tới đời sống xã hội ở tất cả các nước và ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu, Hội nghị Bộ trưởng tài chính các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết hỗ trợ sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu. Điều này tiếp tục cho thấy nỗ lực cũng như vai trò quan trọng của G20 trong việc đưa kinh tế thế giới vượt qua khó khăn.

Tăng trưởng “trượt dốc”

Kinh tế thế giới đang bị virus SARS-CoV-2 tàn phá khi biểu đồ lên xuống các ca lây nhiễm mới trùng khớp với kết quả các hoạt động kinh tế. Các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới tuy góp phần kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch nhưng cũng gây ra những tác động không nhỏ đối với phát triển kinh tế-xã hội, gây gián đoạn các chuỗi thương mại và đầu tư. Nối tiếp đà suy giảm rõ rệt trong quý I năm nay, kinh tế toàn cầu trong quý II cũng “trượt dốc”. Trong 7 tháng đầu năm nay, hoạt động thương mại, đầu tư, sản xuất kinh doanh trên toàn cầu hầu như bị đình trệ. Theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm từ 13-32% so với năm 2019. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo tình hình dịch bệnh khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm nay giảm khoảng 40% so với năm ngoái và tiếp tục giảm từ 5-10% trong năm 2021.

Trong báo cáo mới đây, IMF đã lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của các chính phủ trên thế giới, tuy nhiên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới dự báo giảm 4,4% trong năm nay. Các tổ chức kinh tế khác cũng đánh giá suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 đã rõ rệt với mức suy giảm từ 4,9-7%.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc và GDP lao dốc 31,7% trong quý II-2020 khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn dịch lây lan. Theo IMF, dù triển vọng kinh tế Mỹ năm 2020 có cải thiện hơn song tổ chức này dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm 4,3%. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã công bố các chương trình kích thích kinh tế lên tới 2.200 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, song nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn phải đối mặt với rủi ro do các gói kích thích kinh tế này có thể không đủ lớn để ngăn chặn các làn sóng phá sản của các doanh nghiệp; và đại dịch COVID-19 có thể thay đổi về cơ bản hành vi tiêu dùng của người dân Mỹ. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng kinh tế Mỹ rất cần một gói cứu trợ mới để ngăn chặn làn sóng sa thải và phá sản cũng như tiếp tục hỗ trợ những người thất nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn bất đồng về gói cứu trợ mới.

Tại Mỹ Latinh, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động từ cuộc khủng hoảng COVID-19, IMF điều chỉnh mức dự báo suy giảm của kinh tế Mỹ Latinh trong năm 2020, từ mức giảm 9,4% xuống mức giảm 8,1%. Giới chuyên gia cảnh báo quá trình phục hồi kinh tế tại Mỹ Latinh sẽ lâu dài đặc biệt là trong trường hợp đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, bức tranh kinh tế châu Âu cũng kém sắc. Cơ quan Thống kê châu Âu cho biết trong quý II-2020, GDP của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 12,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995. Các nền kinh tế lớn nhất Eurozone như Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều thông báo tăng trưởng giảm mạnh trong quý II. IMF cảnh báo nền kinh tế Eurozone sẽ chứng kiến một cú sốc lịch sử trong năm 2020 dù không quá tệ như cảnh báo ban đầu song đà phục hồi sẽ chậm hơn. Theo IMF, kinh tế Eurozone sẽ suy giảm 8,3% trong năm nay, một cú “rơi tự do” chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại Suy thoái những năm 1930. Tuy nhiên, con số này đã có phần tích cực hơn mức dự báo hồi tháng 6 là suy giảm 10,2%; trong đó, Pháp, Italy và Tây Ban Nha gặp nhiều khó khăn nhất với mức giảm lần lượt 8,3%; 10,6% và 12,8%. Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone dự kiến giảm 6,3% năm 2020, thấp hơn con số ước giảm 6,5% được đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, sự hồi phục của kinh tế Đức trong năm 2020 dự kiến cũng không mạnh mẽ như dự báo trước đó. Trong khi đó, Anh - quốc gia không còn là thành viên EU - sẽ chứng kiến mức suy giảm 9,8% trong năm nay.

Tại châu Á, IMF dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 5,3% trong năm nay và Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm 1,3%. Tại Ấn Độ, nước có số ca nhiễm mới tính theo ngày cao nhất thế giới, sự lây lan nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và các lệnh phong tỏa đã tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế trong nước. Theo dự báo của IMF, nền kinh tế nước này có thể sẽ suy giảm 9,5% năm 2020. Trong khi đó, IMF nhận định Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bùng phát dịch COVID-19, sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới có thể tăng trưởng trong năm nay, với dự báo mức tăng GDP 1,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,1% năm 2019.

Đại dịch COVID-19 cũng phơi bày những khó khăn ở các nước Đông Nam Á. IMF dự báo 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ lún sâu vào suy thoái và đều sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020, trong đó tốc độ suy giảm của Malaysia, Thái Lan và Singapore có thể vượt ngưỡng 10%.

Châu Phi cũng ghi dấu một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất mà lục địa này từng trải qua khi ước tính GDP sẽ giảm 2,5% trong năm nay. Theo IMF, phải đến năm 2022 châu Phi mới có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế như trước khủng hoảng.

Bước đi nỗ lực của G20

COVID-19 được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua, tàn phá không chỉ các nền kinh tế dễ bị tổn thương mà còn khiến các nền kinh tế lớn rơi vào bế tắc. Do vậy, thế giới đang cần có những nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm đối phó với tác động của đại dịch, trên một nhận thức chung, rằng hợp tác với nhau lúc hoạn nạn là vì lợi ích của tất cả các nước. Trong bối cảnh đó, hội nghị trực tuyến bộ trưởng tài chính G20 diễn ra ngày 14-10 đã đưa ra những cam kết cụ thể nhằm hỗ trợ nền kinh tế thế giới.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các quan chức tài chính G20 đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19, đồng thời cam kết “làm mọi thứ” để hỗ trợ sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu. Các quan chức cũng cho biết sẽ tiếp tục giải quyết tác động không đồng đều mà cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra đối với phụ nữ, giới trẻ và những đối tượng dễ bị tổn thương trên khắp thế giới. Tuyên bố cũng nhấn mạnh kế hoạch hành động của G20 nêu bật sự cần thiết phải triển khai hành động tập thể nhằm đẩy nhanh công tác chẩn đoán, điều trị, phát triển và điều chế vaccine phòng COVID-19, bao gồm việc thông qua sáng kiến Thuận lợi tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu do WHO thúc đẩy.

Một bước đi lớn trong việc giúp các nước ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh đó là việc các quan chức tài chính G20 đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng đối với Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất thế giới trong năm nay và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4-2021.

Hồi giữa tháng 4 vừa qua, G20 và Câu lạc bộ Paris đã nhất trí giãn nợ cho những quốc gia nghèo nhất thế giới trong năm 2020 do cuộc khủng hoảng COVID-19 với tổng số tiền lên tới 20 tỷ USD cho 73 quốc gia, trong đó có 40 nước tại vùng sa mạc miền Nam châu Phi. Trong số này, các khoản nợ của các chủ nợ song phương và chủ nợ tư nhân lần lượt là 12 tỷ USD và 8 tỷ USD. Ước tính tổng chi phí thanh toán nợ của những quốc gia này trong năm nay là 32 tỷ USD. Tuy nhiên, WB cho biết việc giảm nợ cho các nước nghèo vẫn ít ỏi vì “không phải tất cả các chủ nợ đều tham gia đầy đủ”, theo đó chỉ 43 quốc gia trong tổng số 73 quốc gia được hưởng khoảng 5 tỷ USD từ sáng kiến DSSI để hỗ trợ các khoản an sinh xã hội, y tế và kinh tế nhằm ứng phó với đại dịch, trong khi mức dự kiến là từ 8 tỷ đến 11 tỷ USD.

Tại hội nghị, G20 cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc củng cố năng lực về thuế nhằm xây dựng hệ thống thu thuế bền vững.

Một thực tế không thể phủ nhận là trong nỗ lực phục hồi kinh tế và giảm thiểu những tác động tiêu cực nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, G20 đã đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hơn 10 năm sau, thế giới lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19 không chỉ khiến kinh tế điêu đứng, mà còn đe dọa sinh mạng của hàng triệu con người. Với những cam kết giá trị tại hội nghị lần này, vai trò của G20 một lần nữa được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy, củng cố sự hợp tác quốc tế nhằm đưa thế giới vượt qua “cơn bĩ cực” mang tên COVID-19.

Theo TTXVN