Nga đối mặt làn sóng COVID-19 thứ hai tăng nhanh

Nga đang trải qua những ngày đánh dấu mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày. Trong bối cảnh đó, Nga đã siết chặt các biện pháp phòng dịch, đồng thời phê chuẩn thêm loại vaccine thứ hai ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đứng đầu châu Âu về số ca mắc mới

Theo tính toán của WHO, cứ trung bình khoảng 3-4 ngày thế giới lại có thêm 1 triệu người mắc COVID-19. Các điểm bùng phát dịch đang gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là châu Âu. Hiện ở châu Âu, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp tại các nước như Nga, Ba Lan, Croatia, Slovenia khi những nước này đều đang ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong ngày. Riêng với Nga, nếu như vào tháng 8-2020, nước này ghi nhận số các mắc mới hàng ngày ở mức dưới 5 nghìn ca, thì trong tuần này đã lên hơn 10 nghìn ca.

Ngày 13-10 vừa qua đánh dấu số ca mắc và tử vong do COVID-19 trong ngày của Nga ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi đầu năm nay, với hơn 13,8 nghìn ca mắc mới COVID-19 và 244 trường hợp tử vong. Ngày 15-10, Nga đánh dấu là nước đứng đầu châu Âu về số ca mắc mới trong ngày với 14,2 nghìn ca và thêm 239 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này đến nay là hơn 1,3 triệu và và 23,2 nghìn người tử vong. Hiện Nga là nước đứng thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil về mức độ lây nhiễm COVID-19. Thực tế  này làm dấy lên lo ngại về một làn sóng COVID-19 thứ hai tại Nga.

Nhiều chuyên gia cảnh báo với nền nhiệt độ thấp hiện nay thì đây là điều kiện thích hợp để virus SARS-CoV-2 phát triển. Giới chức y tế Nga kêu gọi người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng và rửa tay thường xuyên để ngăn virus lây lan.

Trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, Nga đã đóng cửa gần như toàn bộ dịch vụ không thiết yếu trong gần 3 tháng. Trước làn sóng dịch thứ hai đang diễn ra, ngày 14-10, Thị trưởng thành phố Moskva Sergei Sobyanin cho biết chính quyền thủ đô đã quyết định áp dụng hình thức học trực tuyến cho nhiều học sinh kể từ ngày 19-10 nhằm khống chế dịch COVID-19. Trong thông báo đăng trên trang web, Thị trưởng Sobyanin nêu rõ biện pháp trên sẽ áp dụng với học sinh lớp 6 đến lớp 11 trong 2 tuần, trong khi học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ quay lại trường vào ngày 19-10 sau kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần.

Chính thức cấp phép loại vaccine thứ hai ngừa COVID-19

Ngày 14-10, tại phiên họp chính phủ Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức tuyên bố nước này đã cấp phép cho loại vaccine thứ hai ngừa COVID-19. Ông Putin đã chúc mừng các nhà khoa học nước này và cho rằng: “Chúng ta cần tăng sản xuất vaccine thứ nhất và thứ hai. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài và quảng bá vaccine của mình ra thế giới”.

Vaccine thứ hai mang tên EpiVacCorona do Trung tâm Nghiên cứu virus học Vektor ở Siberia bào chế. Vaccine này được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. EpiVacCorona đã được thử nghiệm lâm sàng trên các tình nguyện viên từ ngày 24-7. Đến ngày 30-9 vừa qua, vaccine này đã được chính thức cấp phép. Nga dự định sản xuất lô vaccine EpiVacCorona đầu tiên gồm 10.000 liều, bắt đầu vào tháng 11 tới.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin còn bật mí thêm “ứng viên” vaccine tiềm năng thứ ba. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển các chế phẩm sinh học miễn dịch Chumakov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 của mình tại Kirov và St.Peterburg vào ngày 19-10.

Trước đó, hồi tháng 8-2020, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19, mang tên Sputnik V. Theo Bộ Y tế Nga, đến nay khoảng 400 bệnh nhân có nguy cơ cao đã được tiêm vaccine Sputnik V. Đã có hơn 20 nước đặt hàng hơn 1 tỷ liều vaccine Sputnik V.

Tuy nhiên, bên cạnh những lời ca tụng nước Nga khi chiến thắng vượt trội trong cuộc đua tìm ra loại “vũ khí” mới cho nhân loại, một bộ phận không nhỏ dư luận thế giới cho đến nay vẫn bày tỏ nghi ngại đối với loại vaccine Sputnik V của Nga. Giới khoa học phương Tây cho rằng, đội ngũ nghiên cứu vaccine của Nga đã “đốt cháy giai đoạn” do áp lực từ chính quyền. Nga hiện đang là vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới và chính quyền Nga đặt mục tiêu tìm ra vaccine là ưu tiên hàng đầu của nước này.

Đặc biệt, các chuyên gia y tế quốc tế bày tỏ lo ngại rằng, việc phát hành bất kỳ loại vaccine nào kém chất lượng sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại. Một trong những “dấu hỏi” lớn nhắm vào Nga là việc chính quyền nước này không hề công bố dữ liệu khoa học nào xác tín về các cuộc thử nghiệm. Ở phía ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng dù còn nhiều nghi ngại song Nga tạm thời đã chiến thắng trong cuộc đua khốc liệt này.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện thế giới có hơn 140 loại vaccine đang được phát triển và ít nhất 13 loại đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Ngoài loại vaccine Sputnik V do Nga phát triển, thế giới đến nay có tổng cộng 6 loại vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba, là giai đoạn thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá liệu vaccine có giúp bảo vệ nhiều người khỏi virus trong một thời gian dài hay không. 5 loại vaccine tiềm năng đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, hiện do các hãng dược AstraZeneca, Gamaleya/Sputnik, Moderna, Plizer và Sivovac sản xuất.

Trung Quốc - nơi bùng phát dịch COVID-19 - cũng là một trong những nước đi đầu trong cuộc đua phát triển loại vaccine này. Trung Quốc hiện có 4 loại vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng trên người. Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh cho biết vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc phát triển sẽ sẵn sàng được sử dụng cho công chúng vào đầu tháng 11 tới.

Nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, đang hợp tác chặt chẽ với lĩnh vực tư nhân để giành chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm vaccine, đặc biệt thúc đẩy việc điều chế một loại vaccine ngừa COVID-19 do công ty Moderna của nước này phát triển.

Châu Âu cũng tiên phong gây quỹ 8 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu vaccine. Khoảng 40 nước trên thế giới cùng với Liên hợp quốc và các tổ chức từ thiện và các viện nghiên cứu tham gia gây quỹ này. Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã thành lập một liên minh, hợp tác với các công ty then chốt trong ngành dược phẩm để thúc đẩy nỗ lực sản xuất vaccine tại châu Âu.

Trong khi đó, công tác nghiên cứu và phát triển vaccine ở Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan cũng đang được đẩy mạnh với mục tiêu có thể sản xuất vaccine trong đầu năm tới.

Theo TTXVN