Cúc Áo

Còn gọi là cây hoa cúc áo, ngổ áo, nụ áo lớn, phát khát (Vientian), cresson de Para. Tên khoa học Spilanthes acmella L. Murr. Thuộc họ Cúc Asteraceae.

Mô tả cây

Cây cúc áo là một loại cây nhỏ, cao chừng 0,40 đến 0,70m. Lá hình trứng thon dài hoặc hình trứng, mép có răng cưa to hay hơi lượn sóng, phiến lá dài 3-7cm, rộng 1-3cm. Cụm hoa hình đầu, mọc ở đầu cành, hơi hình nón, màu vàng, dài 10-15mm. Quả bế màu nâu, mép có gờ, màu nhạt, dài 2-8mm, dẹt.

Công dụng và liều dùng

Trong nhân dân, công dụng phổ biến nhất là dùng cụm hoa giã nhỏ, ngâm rượu để ngậm khi bị nhức răng, sâu răng, thuốc sẽ làm đỡ đau, có nơi đã dùng thay thuốc tê để nhổ răng. Có nơi còn dùng lá giã đắp trên mi mắt bị sưng đau.

Cây này còn được nhiều nước dùng làm thuốc: Như ở Malaixia người ta sắc lá này đắp lên đầu chữa bệnh nhức đầu. Tại Ấn Độ người ta dùng cây này chữa nhức đầu, các bệnh ở cổ họng và răng lợi. Theo Tavera, tại Philipin, người ta dùng rễ làm thuốc tẩy với liều 4 đến 8g, sắc với một bát nước. Nước sắc lá còn dùng để rửa những nơi lở ghẻ, mẩn ngứa. Cũng tại Philipin, theo Tavera người ta dùng uống trong để làm thuốc thông tiểu tiện và có khả năng tiêu được sỏi thận.

Nước ép của lá hay nước sắc của lá có thể dùng đắp lên các vết thương, vết loét.

Có nơi còn dùng để ăn như món rau và cho rằng có tác dụng chữa bệnh scobut (chảy máu chân răng).

Đơn thuốc có cây cúc áo dùng trong nhân dân

Chữa hóc xương gà, xương cá: Hoa hoặc lá cây cúc áo 50g, lá mảnh cộng 50g, lá dưa chuột ma 50g, dấm thanh 3 thìa cà phê (chừng 20ml). Ba thứ lá tươi về rửa sạch, giã nát, thêm dấm thanh vào, trộn đều, đợi 20 phút, vắt lấy một chén non nước. Cho bệnh nhân uống một ít nhưng chủ yếu là ngậm. Ngày chỉ ngậm 1 liều trên. Nặng có thể ngậm tới 3 liều (kinh nghiệm của cụ Hà Thị Oanh, Y học thực hành 8-1962,21).