Phát huy hiệu quả công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới

Trải qua 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Tháng 10-1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15-10-1930 là Ngày truyền thống công tác dân vận (DV) của Đảng và quyết định chọn ngày 15-10 hằng năm là ngày “Dân vận của cả nước” để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác DV. Trải qua 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác DV luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. 

Phát huy truyền thống 90 năm công tác DV của Đảng, nhất là sau ngày tái lập tỉnh tháng 4-1992, trong những năm qua Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tập trung tham mưu cho cấp ủy tỉnh ban hành và cụ thể hóa nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác DV. Công tác DV không ngừng được đổi mới, gắn thực hiện công tác DV với tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh hướng tới lợi ích thiết thực, chính đáng của nhân dân. Nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác DV không ngừng được nâng lên. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng-an ninh (QP-AN), xây dựng hệ thống chính trị được nhân dân đồng tình ủng hộ, mang lại kết quả thiết thực. Triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc giám sát, phản biện xã hội được hệ thống DV từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đạt hiệu quả thiết thực. Với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, hệ thống DV của tỉnh đã tập trung vận động nhân dân xây dựng hàng nghìn mô hình, việc làm “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức hàng nghìn cuộc giám sát việc thực hiện phát triển KT-XH.

Diện mạo Tp. Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng phát triển. Ảnh: Hữu Phương

Trong giai đoạn 2016-2020, triển khai Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, 5 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả. Trong 5 năm đã có 984 mô hình tiêu biểu với cách làm “dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực chính trị, KT-XH, QP-AN được nhân rộng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tác động chuyển biến trong việc đổi mới nội dung, phương thức vận động của Mặt trận, các đoàn thể và các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị theo hướng sát cơ sở, sát dân, cụ thể, thiết thực hơn, thu hút sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Phong trào “Dân vận khéo” đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; mở rộng và phát huy dân chủ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm công tác DV, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua thực hiện phong trào đã xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, bảo đảm QP-AN, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Phát huy các thành quả đạt được, để tiếp tục đẩy mạnh công tác DV của Đảng trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, gắn với hoạt động, công tác của mỗi tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị; tăng cường giáo dục quán triệt các quan điểm của Đảng và tư tưởng, tác phong “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang học tập và thực hiện theo tư tưởng của Bác.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác DV, nhất là công tác DV trong các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước; gắn phong trào “Dân vận khéo” với công tác cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng và giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Tập trung xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người. Phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH. Thường xuyên chăm lo cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, người nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua yêu nước nhằm huy động nhiều nguồn lực trong các tổ chức và tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác dân vận, tạo sự lan tỏa trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, QP-AN theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Phát huy vai trò và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể.