KỶ NIỆM NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM (13-10)

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Mặc dù trong điều kiện khó khăn do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ta thời gian qua vẫn có những chuyển biến tích cực; trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với cả nước, góp phần vào sự thành công chung đó có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 528 DN thành lập mới, với vốn đăng ký 3.821 tỷ đồng, tăng 33,2% số DN và tăng 13,4% vốn so với cùng kỳ. Trong đó phát triển mạnh ở lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, có 149 DN (tăng gấp 5,3 lần) nâng tổng số DN đang hoạt động đến nay lên 3.566 DN, bình quân 6 DN/1.000 dân. Có 113 DN đăng ký bổ sung vốn tăng thêm 7.757 tỷ, nâng tổng vốn đăng ký của DN toàn tỉnh lên 58.285 tỷ đồng. Ngoài việc góp phần giải quyết việc làm cho trên 28.300 lao động, chiếm 35,8% lực lượng lao động trong các cơ sở kinh tế, hàng năm các DN còn đóng góp trên 77% tổng thu ngân sách nội địa cho tỉnh, chiếm gần 47% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và hơn 20% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP).

Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: P.B

Trong thời gian qua, cộng đồng DN trong tỉnh cũng đã phát huy tính chủ động sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Các DN, nhất là những DN lớn đã khẳng định vai trò đầu tàu trong thực hiện nghĩa vụ thuế, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Đáng ghi nhận là hiện đang có nhiều DN đã năng động nắm bắt cơ hội chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh như năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển…, tạo hướng phát triển ổn định, lâu dài, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của địa phương. Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, vai trò của DN cũng ngày càng được thể hiện rõ, nhất là việc ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, các DN, doanh nhân còn tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tiền, vật liệu xây dựng để các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Một số DN trong lĩnh vực thương mại tích cực tham gia Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn góp phần ổn định thị trường và kích cầu người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam...

Sự trưởng thành và từng bước lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, DN trong tỉnh đã kéo theo sự khởi sắc trong phát triển KT-XH của tỉnh. Cụ thể, năm 2019 tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 13,18%, thu ngân sách 4.300 tỷ (tăng 1.300 tỷ đồng so với năm 2019 và vượt trước 3 năm chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đặt ra là từ 2.800 đến 3.000 tỷ đồng). Riêng trong 9 tháng năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng 11%, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; giá trị sản xuất một số ngành tăng cao, thu ngân sách đạt 3.075 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, đạt 25.440 tỷ đồng, vượt 8,3% kế hoạch năm. Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng trưởng khá với tổng giá trị sản xuất đạt 12.699 tỷ đồng, tăng 17,1% cùng kỳ. Phát triển năng lượng tiếp tục tạo chuyển biến đột phá, nhất là trong giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, các dự án động lực thay thế về bến cảng Cà Ná giai đoạn 1, điện khí LNG Cà Ná xúc tiến triển khai. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo từng bước được hình thành có nhiều khởi sắc và đúng hướng. Đến tháng 9-2019 đã có 29 dự án điện mặt trời hoàn thành, hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 1.734 MW và 4 dự dự án điện gió 181,55 MW.

Ông Ông Hồ Chu Vân, Chủ tịch Hiệp hội DN Ninh Thuận cho biết: Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Hiệp hội DN tỉnh Ninh Thuận và các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nhân, DN ổn định và phát triển, nhất là việc duy trì công tác đối thoại DN với chính quyền để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Việc đối thoại DN không chỉ ở quy mô cấp tỉnh đối với DN trong từng lĩnh vực mà đã tiếp xúc trực tiếp để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng DN. Thông qua các buổi đối thoại này, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành cũng như các địa phương đã giải đáp nhiều thắc mắc của các DN. UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cũng đã có văn bản trả lời và giải quyết các vướng mắc cho các DN trên địa bàn tỉnh về: Lãi suất, giá thuê đất, tăng vốn điều lệ, thi hành án, thủ tục hành chính. Tỉnh cũng đã ban hành và đề ra các biện pháp cụ thể để chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, cải cách hành chính được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiều chương trình và hoạt động cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện và từng bước đi vào thực chất, giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh từ DN, như: Xây dựng Cổng thông tin hỗ trợ DN; thành lập Tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư; tổ chức tiếp DN định kỳ hàng tháng…

Với mục tiêu phát triển DN, doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bám sát chức năng, nhiệm vụ và nêu cao vai trò, trách nhiệm trong hỗ trợ, đồng hành cùng DN. Tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với DN, nâng cao chất lượng công tác đối thoại với DN, kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh cũng như lắng nghe hiến kế thu hút đầu tư, phát triển KT-XH từ các DN và nhà đầu tư. Tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy. Chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN.

Để giúp DN vượt qua những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, theo ông Hồ Chu Vân, trong thời gian tới, tỉnh cần có định hướng, hỗ trợ hình thành các DN đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích các DN sử dụng sản phẩm của nhau. Và trên hết, các DN cần phải tích cực chủ động tranh thủ thời cơ, tận dụng tiềm năng, lợi thế của để phương để nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng ứng dụng quy trình và công nghệ để giữ vững tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững.

----------

Ông Nguyễn Xuân Hân, Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Ninh Thuận: Trong thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, công nhân viên Chi nhánh đã nỗ lực khắc phục khó khăn để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, các thiết bị hiện đại kết nối các cột bơm với hệ thống máy tính; hoàn thiện hệ thống tự động hóa tại các cửa hàng; triển khai in hóa đơn điện tử và đưa mặt hàng Diezen tiêu chuẩn Euro 5 vào kinh doanh nhằm nâng cao uy tín của Petrolimex trên thị trường. Trong quá trình kinh doanh, thực hiện tốt các quy trình đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường; công tác quản lý đo lường chất lượng tại các cửa hàng, các chính sách thuế đều đảm bảo về mọi mặt. Tổng doanh thu trong năm 2019 đạt 899 tỷ đồng, lợi nhuận 18,5 tỷ đồng, nộp ngân sách 200 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2020, doanh thu đạt 505 tỷ, lợi nhuận 6,7 tỷ đồng, nộp ngân sách 155 tỷ đồng, tạo việc làm cho 125 lao động, đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động, thu nhập bình quân 11,8 triệu đồng/tháng. Từ năm 2019 đến nay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Xăng dầu Phú Khánh và Chi nhánh đã đóng góp quỹ từ thiện, an sinh xã hội trên 6,15 tỷ đồng để xây dựng trường học, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng và các hoạt động an sinh xã hội khác.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ: Trong những năm qua, được quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh, hoạt động Hội Doanh nhân trẻ đã có những chuyển biến tích cực. Đã có nhiều công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tham gia vào tổ chức Hội để giao lưu, chia sẻ thông tin, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và tổ chức các chương trình hoạt động được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao.

Với chức năng của mình, Hội cũng thường xuyên tổ chức cho hội viên tham gia các chương trình tập huấn, diễn dàn do Trung ương Hội tổ chức. Đồng thời phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo cho hội viên… qua đó đã truyền tải kiến thức về kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp, khôi phục doanh nghiệp sau dịch COVID-19, kiến thức về Digital 4.0. Đặc biệt trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hội Doanh nhân trẻ đã chủ động khảo sát, đánh giá các khó khăn và nhu cầu hỗ trợ giải quyết khó khăn, để tổng hợp, đề xuất với các cấp chính quyền, các sở, ngành có các biện pháp, giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế - xã hội của địa phương n

Ông Trần Đức Xuyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam: Năm 2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) bắt đầu đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận với việc triển khai dự án Trang trại điện gió tại huyện Thuận Bắc và sau đó là dự án điện mặt trời với ý tưởng đột phá của một tổ hợp năng lượng “trên điện gió, dưới điện mặt trời”. Năm 2018, dự án Điện mặt trời Trung Nam chính thức được khởi công và triển khai với tốc độ nhanh chóng, kịp hòa lưới dự án trước tháng 6-2019. Sau 3 năm đồng hành và phát triển, doanh thu mảng năng lượng năm 2019 đạt hơn 6.000 tỷ đồng giá trị sản lượng, vượt 220% so với năm 2018. Nhằm giải tỏa công suất hệ thống truyền tải điện, hiện thực hóa Nghị quyết 55 về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Bộ Chính trị, chúng tôi đã phát động chiến dịch 102 ngày, đêm dự án đường dây 500 kV Trung Nam - Thuận Nam và Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam. Đến nay, dự án đã hoàn thành, dự kiến sẽ khai thác hơn 1,2 tỷ kWh điện và góp phần quan trọng giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung Bộ.

Nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xúc tiến các dự án điện gió gần và xa bờ với tổng công suất hơn 1.000 MW; tham gia Dự án Nhà máy khí hóa lỏng (LNG) và đầu tư cảng biển nước sâu Cà Ná. Trungnam Group quyết tâm và kiên định với việc phát triển trọng tâm lĩnh vực năng lượng và đầu tư hạ tầng truyền tải điện nhằm tạo sự đồng bộ và bền vững cho sự nghiệp phát triển năng lượng của tỉnh Ninh Thuận và quốc gia.