Bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm trong xây dựng đời sống văn hóa

Là một bộ phận trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào Chăm Ninh Thuận, chiếm khoảng hơn 40% người Chăm cả nước, trong quá trình phát triển đã tạo nên nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Hiện nay, người Chăm Ninh Thuận vẫn còn lưu giữ những giá trị truyền thống trong sản xuất và phong tục tập quán giàu bản sắc, đang được giữ gìn, ngày càng phát huy, góp phần xây dựng đời sống văn hóa.

Những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh nói riêng, được Đảng, Nhà nước và tỉnh ta luôn coi trọng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo nên diện mạo khởi sắc một vùng nông nghiệp, nông thôn vốn trước đây còn nhiều khó khăn trong đời sống và sinh hoạt. Đến nay, hầu hết ở các xã có đồng bào Chăm sinh sống đều được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh về điện, đường, trường, trạm, tạo thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt đời sống tinh thần của bà con.

Một góc cơ sở hạ tầng ở Làng Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (Ninh Phước) được đầu tư khá hoàn chỉnh. Ảnh: Văn Nỷ

Điều kiện học tập cho con em người Chăm cũng được quan tâm đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập của các em. Ý thức cộng đồng về xây dựng nông thôn mới đang triển khai mạnh mẽ, tạo thêm niềm tin và phấn khởi của vai trò chủ thể trong cộng đồng người Chăm. Các làng nghề truyền thống như làng nghề Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ được đầu tư khôi phục, gắn với phát triển du lịch, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Chăm hiện nay còn 3,89% so với tổng số hộ người Chăm.

Bên cạnh đó, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, đặc biệt là tháp Po Klong Garai, lễ hội Katê, di sản nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc được xếp hạng cấp quốc gia. Sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào thực hiện tín ngưỡng thờ tự, tổ chức các lễ hội, tín ngưỡng dân gian như; Lễ hội Ka tê, Cambur, Yuer Yang, Ramưwan, Kareh, Suk Yeng, Rija Nưgar,… phù hợp với giá trị truyền thống của dân tộc gắn với giữ gìn bản sắc trong bộ phận văn hóa Việt, tạo nền tảng tinh thần xã hội, qua đó xây dựng đời sống cộng đồng người Chăm văn minh, tiến bộ, phát triển đi lên cùng cả nước trong sự nghiệp đổi mới.

Nhiều du khách đến tham quan tháp Po Klong Garai - Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Văn Miên

Những kết quả đạt được đã khẳng định nhất quán về sự chăm lo của Đảng, Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng như quan tâm bảo tồn giá trị văn hóa với bản sắc riêng của các dân tộc thiểu số. Đó là điều kiện bảo đảm cho đồng bào Chăm lưu giữ và không ngừng làm giàu thêm những truyền thống tốt đẹp của mình, phát huy năng lực sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam đa dạng, trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Những ngày tới, âm vang rộn ràng của tiếng trống Ghinăng, kèn Saranai trên các đền tháp, các làng Chăm lại vang lên, báo hiệu một mùa Lễ hội Katê lại về. Năm nay, cùng với không khí chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng bào Chăm trong tỉnh đón mừng Lễ hội Katê trong niềm hân hoan, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng cuộc sống mới, bình đẳng, giúp nhau cùng phát triển trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.