5 người chết, 8 người mất tích do mưa lũ ở miền Trung

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, mưa lũ ở khu vực Trung Bộ từ ngày 6 - 9/10 đã làm ngập lụt trên diện rộng tại Quảng Trị và ngập sâu tại Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Tính đến sáng ngày 9/10 đã có nhiều thiệt hại về người và của do mưa lũ tại Trung Bộ và Tây Nguyên.

Thống kê sơ bộ từ ngày 6 - 9/10, mưa lũ tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã làm 5 người chết và 8 người mất tích. Trong đó, Quảng Trị bị thiệt hại lớn nhất, đã có 2 người chết và 6 trường hợp mất tích. Các địa phương khác cũng có thiệt hại về người do mưa lũ là Quảng Ngãi (1 người chết), Gia Lai (1 người chết), Đắk Lắk (1 người chết), Thừa Thiên - Huế (1 người mất tích), Gia Lai (1 người mất tích).

Nhiều tuyến đường tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) bị ngập sâu trong nước. Ảnh: TTXVN phát

Thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản của Quảng Trị cũng rất lớn khi có tới 538 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Trước đó, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho thấy, từ 19 giờ ngày 6/10 đến 19 giờ ngày 8/10, khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-600mm, đặc biệt tại một số nơi ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tổng lượng mưa từ 800 đến 1.000mm.

Dự báo, trong các ngày 9/10 đến 10/10, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi vẫn sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to với nguy cơ rất lớn về rủi ro thiên tai do mưa lớn. Cụ thể, tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực này sẽ là 100-200mm, có nơi trên 300mm; ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 10mm.

Sau ngày 11/10, các tỉnh Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài.

Về tình hình lũ trên các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, hiện tại, đã có một số điểm nước dâng cao như sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 2,89m, trên báo động 3 là 0,19m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 5,41m, dưới báo động 3 là 0,59m.

Cùng với đó, tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam được dự báo vẫn tiếp tục diễn ra đến hết ngày 9/10, rồi giảm dần.

Trước đó, các địa phương Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã tổ chức di dời, sơ tán dân tại các khu vực bị ngập sâu khi mực nước lũ ở mức cao, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, chủ yếu theo hình thức tại chỗ, tổng cộng khoảng 4.207 hộ (tương đương14.017 người).

Dự kiến, tại những vị trí nước đã rút,các địa phương sẽ đưa các họ dân đi sơ tán do ảnh hưởng của mưa lũ về nhà trong hôm nay.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Trong thời gian tới, các địa phương vẫn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ có thể kéo dài để có biện pháp ứng phó, đặc biệt đối với các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tình hình mưa lũ; hướng dẫn chính quyền cơ sở, người dân các biện pháp xử lý đảm bảo an toàn trong quá trình khắc phục hậu quả và sẵn sàng các phương án với mưa lũ kéo dài trong thời gian tới.

Theo TTXVN/Báo Tin tức