Sức sống mới trên vùng “tuyến lửa” năm xưa

Giờ đây, sau 36 năm kể từ ngày ấy, Thuận Bắc đang ngày một phát triển khá toàn diện, trở thành điểm nhấn kinh tế phía Bắc đầy triển vọng của tỉnh.

Trong những năm kháng chiến, địa bàn huyện Thuận Bắc là nơi diễn ra nhiều trận đánh mang tầm chiến lược. Những chiến công hiển hách của quân và dân nơi đây ta đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Giờ đây, sau 36 năm kể từ ngày ấy, Thuận Bắc đang ngày một phát triển khá toàn diện, trở thành điểm nhấn kinh tế phía Bắc đầy triển vọng của tỉnh.

Bước chuyển mình ấn tượng

Chúng tôi trở lại Thuận Bắc – nơi từng được mệnh danh là vùng đất “tuyến lửa” trong chiến tranh. Đi từ Bắc Phong ra đến Công Hải, lên các xã vùng cao Phước Kháng, Phước Chiến đâu đâu chúng tôi cũng nhận thấy những tên xóm, tên làng gắn liền với lịch sử năm xưa nay đang khoác lên mình một diện mạo mới. Màu no ấm đang hiện rõ trên khuôn mặt của từng người dân. Ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện tự hào nói: Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa bàn Thuận Bắc bị bọn địch chiếm đóng làm điểm chốt chặn tuyến phòng thủ “lá chắn thép” Phan Rang. Dù phải chịu sự kìm kẹp khắt khe của kẻ thù, nhưng quân và dân huyện Thuận Bắc vẫn một lòng theo Đảng, bám đất, giữ làng nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đất nước thống nhất, bà con nhanh chóng bắt tay vào xây dựng lại quê hương, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó đến nay đời sống của người dân ngày càng phát triển.

 

Huyện Thuận Bắc hôm nay.

Là địa phương có trên 37 ngàn dân, sống chủ yếu bằng nghề nông, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70% dân số. Để đưa kinh tế địa phương ngày một phát triển, hàng năm ngoài việc vận động bà con tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Bắc còn chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành quy hoạch lại đất nông nghiệp, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, có chính sách hỗ trợ cho nông dân kịp thời cả vốn vay và kỹ thuật. Đặc biệt, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vài năm gần đây, các công trình phúc lợi như: điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt,… được đầu tư xây dựng. Gần 100% hộ dân trong huyện đã có điện thắp sáng và mua sắm được phương tiện nghe nhìn. Công tác chăm lo đến nhà ở, đời sống văn hoá, sinh hoạt của nhân dân luôn được quan tâm. Công tác y tế, giáo dục phát triển khá mạnh. Các chỉ số về mức sống, thu nhập, số hộ dân dùng nước sạch, dùng điện thoại... ngày một tăng nhanh. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay giảm còn 17,17%.

Điểm nhấn kinh tế phía Bắc của tỉnh

Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cách đây hơn 5 năm về trước, vùng đất Thuận Bắc chủ yếu là độc canh cây lúa rẫy để giải quyết cái ăn trước mắt, nhưng từ năm 2005 trở lại đây khi huyện được thành lập và Nhà nước đầu tư hơn 180 tỷ đồng để xây dựng công trình hồ thủy lợi Sông Trâu có dung tích 31 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho 3.000 ha đất sản xuất và nước sinh cho nhân dân các xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Sơn, Bắc Phong và một phần của xã Phước Chiến thì đời sống của người dân địa phương như được bật dậy. Hàng ngàn hécta đất hoang hóa, đã được bà con cải tạo trồng các loại cây như: lúa, mía,... tạo thành vùng chuyên canh nông nghiệp đa dạng theo hướng sản xuất hàng hoá. Chỉ tính riêng trong năm 2010, nhân dân huyện Thuận Bắc đã gieo trồng được 10.399 ha cây trồng các loại, đạt 110,3% kế hoạch. Sản lượng lương thực đạt 31.500 tấn, vượt 21,4% so với chỉ tiêu giao.

 

Hồ thủy lợi Sông Trâu phục vụ tưới tiêu cho 3.000ha đất sản xuất và nước sinh hoạt
cho người dân địa phương. Ảnh: Văn Thanh

Cùng với trồng trọt, các mô hình chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng đang ngày càng phát triển. Tính đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện có 33.850 con. Nhiều mô hình trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ phát triển theo hướng tổng hợp lồng ghép trồng cỏ với chăn nuôi vỗ béo; dự án phát triển nuôi heo sinh sản, thỏ ngoại sinh sản, cừu sinh sản được hình thành.

Về phát triển công nghiệp, Thuận Bắc đang tập trung theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy chủ yếu là các đơn vị đã được xây dựng từ những năm trước, như: Nhà máy gạch Tuy-nen Du Long, Mỏ đá Giác Lan, Công ty TNHHXD-TM&SX Nam Thành, Nhà máy Xi-măng Luks..., nhưng đều có khả năng chiếm lĩnh thị trường. Không chỉ góp phần giải quyết đáng kể lao động địa phương, các đơn vị này còn tạo thêm nguồn thu cho huyện rất đáng kể.

Chỉ tính trong năm 2010, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 7,485 tỷ đồng, vượt 19,8% kế hoạch. Giá trị sản xuất các ngành đạt 1.366 tỷ đồng. Sự yếu kém về kết cấu hạ tầng cũng đã được cải thiện. Nhiều cơ sở dịch vụ – thương mại đã được hình thành, ngoài việc phục vụ nhu cầu phát triển đời sống kinh tế – xã hội địa phương, còn góp phần đưa Thuận Bắc vực dậy trở thành điểm nhấn kinh tế đầy triển vọng phía Bắc của tỉnh.

Hướng mở tương lai

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển của huyện Thuận Bắc, đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc cho biết: Theo tính toán về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội đến năm 2015, Thuận Bắc sẽ tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển năng động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị công nghiệp, du lịch, dịch vụ nông – lâm nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đề ra, hiện nay huyện Thuận Bắc đang tập trung chuyển dịch hợp lý về cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp – tiêu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Trước mắt, trong những năm đầu của nhiệm kỳ 2011 - 2015, huyện vẫn lấy nông nghiệp làm ngành sản xuất chính. Về lĩnh vực công nghiệp, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi như có khu công nghiệp Du Long, cụm công nghiệp Suối Đá, Dự án phong điện ở xã Công Hải... Đây là những khu, cụm công nghiệp, dự án trọng điểm, đa ngành đã được Chính Phủ đồng ý bổ sung vào danh mục quy hoạch các khu công nghiệp cả nước.

 

Nhà máy xi-măng Luks. Ảnh: Nhật Lệ

Ngoài những tiềm năng về công nghiệp, với lợi thế về thắng cảnh như Vườn Quốc gia Núi Chúa, bãi biển Bình Tiên cũng là một trong những tiềm năng du lịch rất lớn của huyện Thuận Bắc. Về lâu dài, khi Khu công nghiệp Du Long và các dự án phát triển khu du lịch Bình Tiên với quy mô 190 ha và con đường giao thông chiến lược Bình Tiên – Vĩnh Hy được hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ mở ra một không gian hợp lý cho cả ba lĩnh vực kinh tế công nghiệp – du lịch – nông nghiệp nông thôn, tạo thành “cầu nối” trong mối quan hệ gắn kết hài hoà với thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) và các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Lâm Đồng đang trong thế mạnh phát triển.

Với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, cộng với đường hướng phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011 – 2015 đã vạch ra sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để Thuận Bắc tiếp tục vươn lên, xây dựng địa phương trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh trong tương lai gần.