TOÀN DÂN NINH THUẬN CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai sâu rộng mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020 phong trào nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh.

Tiêu biểu như Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tham gia xây dựng NTM; Mặt trận các cấp thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Đoàn Thanh niên thực hiện phong trào “Tuổi trẻ Ninh Thuận chung tay xây dựng nông thôn mới”,… Qua thực hiện các phong trào đã tạo chuyển biến tích cực, làm đổi thay bộ mặt nông thôn thêm phần văn minh, hiện đại. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2016-2020, điểm nổi bật trong thực hiện phong trào xây dựng NTM ở giai đoạn này là nhận thức, tư duy trong đội ngũ cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM đã được nâng cao, giảm bớt tư tưởng trông chờ vào Nhà nước. Người dân, đặc biệt là nông dân từng bước phát huy được vai trò chủ thể trong quá trình phát triển và xây dựng NTM thông qua việc tham gia góp ý và thực hiện quy hoạch, đề án NTM của xã; tham gia góp công, góp của, hiến đất xây dựng công trình hạ tầng ở địa phương và cùng tham gia giám sát, quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư. Trong 5 năm, nhân dân đã đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, tổng trị giá hơn 120,4 tỷ đồng triệu đồng; doanh nghiệp đóng hơn 191, tỷ đồng để xây dựng NTM.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) tích cực sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới.

Từ thực hiện phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Hội Nông dân tỉnh phát động, các hộ nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả như “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, nuôi bò vỗ béo, cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Ở một số nơi có cách làm hay, đã cụ thể hóa phong trào thi đua bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Qua thực hiện có hiệu quả mô hình “Quỹ hỗ trợ, khởi nghiệp lập nghiệp”, “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản địa phương, góp phần vào hoàn thành tiêu chí Thu nhập. Đơn cử như hộ sản xuất muối giỏi bà Trần Thị Tân ở xã Tri Hải (Ninh Hải), anh Võ Văn Sơn ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) sản xuất tôm thịt, doanh thu hàng năm đạt nhiều tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.

Các phong trào thi đua đã khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân quyết tâm thi đua xây dựng NTM đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận những hạn chế cần sớm khắc phục để phong trào xây dựng NTM trở nên sôi động khắp cả tỉnh. Thực tế cho thấy, có những địa phương triển khai phong trào chưa thường xuyên, sâu rộng và có khi chững lại. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác huy động nguồn lực xây dựng NTM chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỷ lệ huy động nguồn lực trong nhân dân và doanh nghiệp thấp. Các ngành, địa phương chú trọng thực hiện các phong trào thi đua sản xuất, riêng phong trào “Xây dựng nông thôn xanh - sạch - đẹp” chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, môi trường nông thôn vẫn là vấn đề bức xúc hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân cũng như mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch.

Giai đoạn 2020-2025, các ngành, các địa phương tiếp vận động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị tham gia, góp sức xây dựng NTM.