Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và sự vận dụng trong giai đoạn hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực trong công việc của mỗi cán bộ, đảng viên. Kế thừa tư tưởng của Người, trong các giai đoạn sau này, công tác tổ chức cán bộ luôn được Đảng ta coi trọng. Qua mỗi kỳ đại hội, quan điểm, tư tưởng đổi mới công tác cán bộ càng được thể hiện rõ hơn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn.

"Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ là khâu quyết định. Bác nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"(1), bởi cán bộ chính là “những người đem đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước giải thích cho nhân dân hiểu rõ và thi hành; đồng thời nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân báo cáo lại với Ðảng, Nhà nước hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Do đó, "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém"(2).

Về tầm quan trọng của việc sử dụng, bố trí cán bộ, Bác chỉ rõ: "Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng"(3) và "Phải khéo dùng cán bộ"(4). "Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại"(5). Đồng thời, Người chỉ ra tác dụng của việc bố trí sử dụng đúng người, đúng việc "Nếu biết tùy tài mà dùng người" thì sẽ thành công. Bác cũng thường xuyên nhắc nhở lãnh đạo phải biết đánh giá và sử dụng đúng cán bộ để không lãng phí nhân tài: "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ"(6). "Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được"(7).

Quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ của Bác đầy tính nhân văn. Bác vừa tin yêu, vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng đối với cán bộ. Bác nhấn mạnh cần phải tạo ra môi trường "khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến"(8), "có gan phụ trách, có gan làm việc"(9) và "khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác"(10). Ðảng phải thương yêu cán bộ nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, phó mặc, mà "thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm"(11), là "hễ thấy khuyết điểm là giúp họ sửa chữa ngay để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ"(12)...

Xuất phát từ những quan điểm trên, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Ngay trong thời gian chuẩn bị thành lập Đảng, Bác đã đặt công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ lên hàng đầu; tập hợp những thanh niên yêu nước, mở các lớp huấn luyện để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng do Bác vạch ra. Bác đã biên soạn tài liệu và trực tiếp tham gia giảng dạy. Những cán bộ do Bác đào tạo sau này đã trở thành những cán bộ chủ chốt lãnh đạo phong trào cách mạng ở nước ta.

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, điều rất quan trọng là phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không còn đủ phẩm chất. Ngay từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác đã nêu rõ quyết tâm đấu tranh chống những căn bệnh dễ mắc trong bộ máy nhà nước. Bác kịch liệt phê phán những khuyết điểm của các cán bộ: làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hóa. Tháng 11-1946, trả lời trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch, Bác khẳng định: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”(13).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, với đội ngũ cán bộ vững vàng, kiên định, dày dạn bản lĩnh, được tôi luyện qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, quân và dân ta đã lập nên những kỳ tích trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, uy tín và năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các giai đoạn sau này, công tác cán bộ luôn được Đảng ta coi trọng. Qua mỗi kỳ đại hội, quan điểm, tư tưởng đổi mới công tác tổ chức cán bộ càng được thể hiện rõ hơn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn. Nhiệm kỳ nào, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề hoặc đề cập đến những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức cán bộ: Hội nghị Trung ương 3, khóa VII có nghị quyết về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; các hội nghị Trung ương trong nhiệm kỳ Đại hội VIII ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về công tác tổ chức cán bộ; Hội nghị Trung ương 6, khóa IX ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Trung ương 3, khóa VII và các Hội nghị Trung ương 3, Hội nghị Trung ương 7, khóa VIII về công tác tổ chức cán bộ…

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Trung ương tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về công tác tổ chức cán bộ; nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TW "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"; Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”...

Tuy vậy, công tác cán bộ hiện nay vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm. Còn có một bộ phận cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, lãng phí, sách nhiễu nhân dân; một số cán bộ thiếu tu dưỡng rèn luyện, có biểu hiện dao động, giảm sút lòng tin vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp…

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng: "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới". Bài viết đã nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, đề cập phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ XIII và giai đoạn sắp tới, khái quát hóa những vấn đề lý luận và sâu sát chỉ đạo thực tiễn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và khát vọng phát triển, đi lên của cả dân tộc, thu hút sự quan tâm, đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là bài học được đặt lên hàng đầu trong số 5 bài học kinh nghiệm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu lên trong bài viết.

Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (xây dựng tổ chức, xây dựng con người) phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

Theo TTXVN
-------------
(1): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.269
(2): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr.240
(3), (4), (5): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr.274
(6): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr.280
(7): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr.72
(8), (9): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Sđd, tr.280
(10): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Sđd, tr.281
(11), (12): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Sđd, tr.283
(13): Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, NXB CTQG, Hà Nội, 1994, tr.98.