Vốn chính sách tác động giảm nghèo

Trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) tỉnh huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo định hướng lớn, lâu dài. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng với việc lồng ghép vai trò chính quyền địa phương trên cả phương diện người cung ứng vốn, hỗ trợ người dân tạo dựng sinh kế và giám sát hiệu quả nguồn vốn vay. Để người dân nắm được chính sách, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; quyền lợi và trách nhiệm của các đối tượng chính sách trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi được các cấp, các ngành và NHCSXH quan tâm, chủ động thực hiện dưới nhiều hình thức phù hợp.

Bên cạnh việc tập trung thực hiện tăng trưởng tín dụng, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Hàng năm, chi nhánh đã tham mưu cho Trưởng BĐD HĐQT tỉnh giao chỉ tiêu nâng cao chất luợng tín dụng cho cấp huyện, xã; đồng thời phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác giao chỉ tiêu giảm nợ quá hạn cho hội cấp huyện, cấp xã và Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) cũng như trưởng thôn, khu phố để triển khai thực hiện. Đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Qua việc thanh, kiểm tra đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót, tồn tại trong quy trình xét duyệt đối tượng thụ hưởng, tập trung xử lý kiên quyết đối với các hộ vay có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ; nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ sở trong việc bình xét, phê duyệt đối tượng vay vốn đảm bảo đúng đối tượng theo quy định.

Đồng bào Bác Ái vay vốn chính sách để sản xuất vươn lên ổn định cuộc sống.

Trong giai đoạn 2016-2020 (đến ngày 31-3-2020), doanh số cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 3.355 tỷ đồng, với hơn 122 nghìn lượt hộ vay vốn. Góp phần giúp cho hơn 11.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết cho hơn 16.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hơn 5.000 lao động được tạo việc làm từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm; xây dụng trên 17.500 công trình vệ sinh môi trường và hơn 10.200 công trình nước sạch ở nông thôn; hơn 47 nghìn hộ thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi vay vốn phát triển kinh tế-xã hội; hỗ trợ 945 căn nhà cho hộ nghèo an cư lạc nghiệp và phòng, tránh bão, lụt. Việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách giúp cho hầu hết hộ vay vốn đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Vốn chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm trên 2% (giảm 8,19% so với giai đoạn đầu), vượt chỉ tiêu đề ra (giảm 1-1,5%/năm), góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, khu vực nông thôn, miền nùi ngày càng khởi sắc.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, nhấn mạnh: Tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội; góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của nhân dân, từ đó củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân, của hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước giúp ổn định hệ thống chính trị tại cơ sở, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Phát huy các thành quả đạt được, giai đoạn 2021-2025, đơn vị tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 67-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tranh thủ, tích cực trình xin nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội từ Trung ương và tăng cường huy động nguồn vốn tại địa phương nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn tỉnh.