Tiến hành sáp nhập các thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh

Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Thông tư số 14/2018/TT-BNV, ngày 3-12-2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; trong đó quy định cụ thể về điều kiện quy mô số hộ gia đình ở thôn, khu phố và định hướng sáp nhập các thôn, khu phố chưa đủ điều kiện về quy mô số hộ gia đình theo quy định. Để thực hiện các quy định của Trung ương, tỉnh ta đã xây dựng

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố ở những nơi chưa đạt chuẩn 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số và có điều kiện tương đồng về văn hóa trên địa bàn tỉnh để nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tăng cường các nguồn lực của địa phương. Trên cơ sở triển khai và đề xuất của các huyện, thành phố, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 24/2020/HĐND ngày 17-7-2020 về việc sáp nhập thôn, khu phố thuộc các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 10 thôn, khu phố sẽ sáp nhập lại thành 5 thôn, khu phố. Hiện nay các địa phương đang tích cực triển khai các bước sắp xếp nhân sự, vận động, lấy ý kiến người dân nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất cho việc sáp nhập.

Thôn Phước Lập Tam Lang (Thuận Nam) là địa phương đầu tiên trong tỉnh tiến hành sáp nhập.

Là địa phương tiên phong trong thực hiện chủ trương sáp nhập, xã Phước Nam (Thuận Nam) đã phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, thực hiện đầy đủ các bước để tiến hành sáp nhập thôn Tam Lang với thôn Phước Lập để thành lập thôn mới Phước Lập Tam Lang. Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện gặp một số khó khăn do 2 thôn có đặc thù về văn hóa, dân tộc khác nhau nhưng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay việc sáp nhập đã tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao của nhân dân. Ông Châu Minh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phước Nam cho biết: Thôn Phước Lập có 461 hộ, 2.822 khẩu chủ yếu là người dân tộc Chăm, về diện tích và dân số đều đáp ứng đủ tiêu chí để không phải sáp nhập, nhưng thôn Tam Lang ở sát bên, chỉ có 40 hộ, hơn 200 nhân khẩu là người Kinh, không đủ tiêu chí về dân số nên phải sáp nhập vào thôn Phước Lập. Về tên gọi, lúc đầu địa phương cũng đề xuất và vận động chỉ giữ lại tên thôn Phước Lập, nhưng qua lấy ý kiến, người dân thôn Tam Lang không tán thành nên thống nhất gộp tên 2 thôn cũ thành thôn mới Phước Lập Tam Lang. Ngày 9-9 vừa qua, địa phương đã tổ chức công bố quyết định sáp nhập thôn, củng cố các tổ chức nhân sự, như Bí thư chi bộ, Trưởng Ban quản lý thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận lâm thời. Nhìn chung người dân 2 thôn đều đồng tình, chấp hành theo chủ trương và đánh giá công tác nhân sự hài hòa, tạo thuận lợi trong phối hợp xử lý công việc.

Theo Sở Nội vụ, qua thống kê, rà soát, tỉnh ta sẽ tiến hành sáp nhập 10 thôn, khu phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, gồm: Sáp nhập thôn Thái Giao và thôn Thái Hòa thành thôn Thái Giao thuộc xã Phước Thái (Ninh Phước); sáp nhập thôn Phước Lập và thôn Tam Lang thành thôn Phước Lập Tamg Lang thuộc xã Phước Nam (Thuận Nam); sáp nhập thôn Hiệp Kiết và thôn Hiệp Thành thành thôn Hiệp Kiết thuộc xã Công Hải (Thuận Bắc). Tạị Tp. Phan Rang-Tháp Chàm sẽ sáp nhập khu phố 7 và khu phố 9 thành khu phố 7 thuộc phường Văn Hải; sáp nhập khu phố 1 và khu phố 5 thành khu phố 1 thuộc phường Tấn Tài. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành việc sáp nhập các thôn, khu phố trong tháng 10-2020.

Ông Trương Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết: Việc thực hiện sáp nhập các thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện về quy mô dân số nhưng có vị trí địa lý liền kề, địa hình không bị chia cắt… để thành lập một thôn, khu phố mới là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại các địa phương hiện nay. Quá trình sáp nhập các thôn, khu phố phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; đề cao trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu chính quyền các cấp. Khi thực hiện sáp nhập thôn, khu phố phải đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân.

Để thực hiện việc sáp nhập các thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã xây dựng Đề án và tổ chức lấy ý kiến cử tri được thẩm định chặt chẽ, báo cáo UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về sáp nhập để thành lập các thôn, khu phố mới trên địa bàn tỉnh. Việc sáp nhập các thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh sẽ giúp tinh gọn bộ máy hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố; tiết kiệm ngân sách nhà nước chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi trả phụ cấp cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố. Các thôn, khu phố sau khi sáp nhập sẽ đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô số hộ gia đình, giảm thiểu số lượng thôn, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.