Thảo Quả

Còn gọi là đò ho, tò ho, mac hâu, may mac hâu (Thái). Tên khoa học Amomum tsao-ko Crév. Et Lem. Thuộc họ Gừng Zingiberaceae.

Mô tả cây

Thảo quả là một loài cỏ sống lâu năm, cao chừng 2,5-3m, thân rễ mọc ngang, to thô, có đốt, đường kính chừng 2,5-4cm, giữa có màu trắng nhạt, phía ngoài màu hồng, thơm, mẫm, rất chóng thành xơ. Lá mọc so le, có lá có cuống ngắn, có lá không cuống, bẹ lá có khía dọc, phiến lá dài 0,60-0,70m, rộng tới 0,20m, nhẵn, mặt trên màu xanh sẫm, mặt dưới hơi mờ, mép nguyên. Cụm hoa thành bông mọc từ gốc, dài chừng 13-20cm, hoa màu đỏ nhạt. Quả từ 8 đến 17 trên mỗi bông, khi chín có màu đỏ nâu dài khoảng 3-4cm, đường kính 2-3cm, khi còn tươi mặt bóng nhẵn, vỏ ngoài dày 5mm. Trong quả chia thành 3 ngăn, mỗi ngăn có chừng 7 hạt có áo hạt hình tháp ép vào nhau, rất thơm.

Công dụng và liều dùng

Thảo quả là một vị thuốc, đồng thời là một gia vị. Thảo quả thường được dùng để thêm vào một số bánh kẹo, đặc biệt loại kẹo chè lam.

Trong thuốc, thảo quả chỉ mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân. Trong các sách cổ, người ta cho thảo quả có vị cay, chat, tính ôn và không độc, vào hai kinh tỳ và vị, có năng lực táo thấp, khứ hàn, trừ đờm, chữa sốt rét, tiêu thực, hóa tích dùng làm thuốc kiện tỳ, giải độc, chữa đau bụng, nôn mửa, hôi mồm.

Liều dùng hàng ngày: 3 đến 6g dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác, sắc hay làm thành thuốc viên. Theo đông y, phàm âm huyết không đủ mà không hàn thấp thực tà không nên dùng.

Đơn thuốc có thảo quả dùng trong nhân dân

Chữa hôi miệng: Thảo quả dã dập, ngậm vào miệng, nuốt nước.

Chữa sốt, sốt rét, đặc biệt dùng trong trường hợp sốt ít, rét nhiều, đại tiểu tiện nhiều quá, không ăn được: Thảo quả 10g, kha tử 10g, sinh khương 7 miếng, táo đen 2 quả, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.