Tinh thần và khí phách của Chiến thắng lịch sử 30-4

Với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân Ninh Thuận đã phối hợp với các quân đoàn chủ lực đã giành được toàn thắng.

9giờ 30 phút, ngày 16-4-1975, cờ Măt trận giải phóng phấp phới tung bay trên đỉnh tòa Hành chính – cơ quan đầu não của Ngụy quyền Ninh Thuận và tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn được giải phóng “Lá chắn thép Phan Rang” của địch bảo vệ Sài Gòn đã bị đập tan, đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

11giờ 30 phút ngày 30-4 – cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập – dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thắng lợi đó được đánh giá là “Một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người”.

Mũi tấn công của quân đoàn 2 tiến vào Dinh độc lập

Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành biểu tượng của chiến thắng – chiến thắng của khát vọng độc lập dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập tự do” – chiến thắng được hội tụ bởi sức mạnh của quân và dân cả nước, sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh thời đại.

Bộ đội đánh chiếm tòa Hành chính tỉnh lúc 9g30, ngày 16-4 - 1975. Ảnh: Lê Văn Đức

36 năm đã trôi qua, cứ mỗi độ Tháng Tư về, hào khí tiến công, không khí rạo rực của ngày đại thắng lại dâng lên trong lòng mỗi người Việt Nam ta, mỗi gia đình và cả dân tộc ta. 36 năm đã trôi qua, đủ để chúng ta cảm nhận đầy đủ ý nghĩa và cái giá của thắng lợi vĩ đại ngày 30-4-1975.

Nhân dân Sài Gòn dự mít-tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng.

36 năm, nhìn lại sự phát triển toàn diện của đất nước, của tỉnh nhà – một chặng đường chưa phải là dài so với lịch sử dân tộc, vừa bước ra khỏi chiến tranh với bộn bề khó khăn đặt ra. Cùng với cả nước, sau thắng lợi mùa xuân 1975, toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, nhanh chóng tổ chức lại cuộc sống mới, vừa phải đương đầu với các thế lực thù địch phản động. Qua 36 năm xây dựng và phát triển quê hương, đặc biệt sau 19 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tính tự lực, tự cường đã tạo nên sự chuyển biến tiến bộ khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, tăng cường. Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hôm nay, hơn lúc nào hết, mỗi người dân Việt Nam, mỗi người con quê hương Ninh Thuận phải luôn phát huy tinh thần, trí tuệ, sức mạnh của chiến thắng 30-4 vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, thực hiện thành công di nguyện của Bác Hồ là sau ngày thắng lợi sẽ “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Tuy trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu to lớn mà đất nước ta, Ninh Thuận chúng ta đã đạt được từ sau ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) đến nay.

Tinh thần và khí phách của Chiến thắng 30-4 lịch sử đang là niềm cổ vũ lớn lao cho chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau, là động lực mạnh mẽ tạo thành sức mạnh to lớn để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; vững bước trên con đường phát triển, hướng tới tương lai tươi sáng, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.