Mô hình chăn nuôi “khép kín” trên đỉnh Hòn Giài

Đồng chí Hồ Sĩ Dương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) giới thiệu ông Phan Văn Tĩnh nêu gương sản xuất giỏi tiêu biểu. Ông nỗ lực vươn lên xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm “khép kín” trên vùng núi đá Hòn Giài thuộc địa bàn thôn Nha Hố 2 mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nằm cách Đèo Cậu khoảng 1 km về hướng Nam, theo con đường sỏi đá, chúng tôi đến thăm mô hình gia trại của ông Phan Văn Tĩnh. Vợ chồng ông sớm hôm gắn bó với vùng núi đá Hòn Giài cải tạo từng tất đất trở thành cơ sở chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chúng tôi thật sự ấn tượng với công đoạn “khép kín” khâu chế biến thức ăn viên cho đàn gia cầm của ông Tĩnh. Ông mua mô tơ, vòng bi, thùng phuy cũ và máy hàn, máy cắt sắt về nhà tự chế tạo các loại máy chuyên dùng chế biến thức ăn như máy xay bắp, máy trộn nguyên liệu, máy vê viên thức ăn gia cầm. Các thiết bị do ông nghiên cứu chế tạo vận hành ổn định, giá thành thấp. Nhờ thiết bị chế biến thức ăn vê viên giúp ông cung cấp thức ăn bảo đảm số lượng và chất lượng dinh dưỡng cho đàn vịt xiêm 200 con và đàn bồ câu trên 400 con, với định mức 25-30 kg cám viên/ngày. Nếu sử dụng thức ăn hỗn hợp không vê viên phải tốn 40-50 kg/ngày, tiết kiệm 30% chi phí đầu tư thức ăn cho đàn gia cầm. Thương lái đến tận nhà mua vịt xiêm với giá 50.000 đồng/kg; mua bồ câu với giá 50.000 đồng/cặp. Với đàn vịt xiêm và bồ câu giúp gia đình ông có thu nhập 7- 8 triệu đồng/tháng.

Ông Phan Văn Tĩnh thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi “khép kín” trên đỉnh Hòn Giài.

Ông Phan Văn Tĩnh đưa chúng tôi tham quan mô hình chăn nuôi heo công nghiệp “khép kín” từ tự sản xuất con giống bảo đảm an toàn dịch bệnh đến khâu xử lý nước thải. Gia đình ông nuôi 10 heo nái giống Yorkshire thuần chủng, đây là giống heo chuyên nạc sinh sản 200 con heo con giống/năm. Ông đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, đào ao bơm nước từ kênh Bắc vô tắm cho đàn heo thịt nuôi thường xuyên 100 con, đào ao chứa nước thải xử lý theo phương pháp sinh học. Ông nuôi hàng ngàn con cá trê, phi ăn chất thải từ chuồng heo nên không gây ô nhiễm môi trường. Chung quanh ao chứa nước thải cỏ mọc xanh mướt có thể cắt làm thức ăn cho bò. Đây là kinh nghiệm tốt, các cơ sở chăn nuôi heo quy mô lớn trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu kinh nghiệm xử lý chất thải. Chỉ tay vào chuồng có 10 con heo mập mạp căng tròn, ông Tĩnh cho biết gia đình chuẩn bị xuất chuồng lứa heo này khoảng 1 tấn. Thương lái thu mua thịt hơi tại chuồng với giá 80.000 đồng/kg, mỗi năm ông xuất chuồng khoảng 20 tấn heo hơi, trừ hết chi phí còn lãi ròng trung bình 700-800 triệu đồng. Điều quan trọng bảo đảm thành công trong chăn nuôi heo là phải tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, môi trường nuôi sạch sẽ, chuồng trại thoáng mát, thức ăn đầy đủ dinh dưỡng. Ông Tĩnh cho biết, gia đình chuẩn bị xuống giống trồng khoảng 2 ha cây dừa và cây mãng cầu sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần cùng bà con thôn xóm phủ xanh vùng núi đá Hòn Giài.

Trao đổi với ông Phan Văn Tĩnh, chúng tôi được biết thời trai trẻ ông đã từng tham gia bộ đội, đến năm 2000 nghỉ hưu với cấp hàm đại úy. Sau khi nghỉ hưu, ông về xã Nhơn Sơn sinh sống được cấp ủy phân công làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã rồi làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Nha Hố 2. Đến năm 2017, ông nghỉ công tác địa phương, tập trung thời gian đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ông được cấp trên tặng nhiều bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và cán bộ Mặt trận có thành tích xuất sắc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Ông sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp đồng đội và bà con trong thôn có kinh nghiệm làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.