Đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với công tác xây dựng Đảng trong sạch

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Văn phòng Quốc hội cần chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, nói không đi đôi với làm.

Sáng 22/9, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV, giai đoạn 2020- 2025 với chủ đề: "Đoàn kết, tiếp tục đổi mới sáng tạo, thi đua xây dựng cơ quan Văn phòng Quốc hội chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự. Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển cùng các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của Văn phòng Quốc hội đã có nhiều đổi mới thiết thực, đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế và chức năng, nhiệm vụ. Các cụm thi đua, khối thi đua của Văn phòng Quốc hội đã có những cách thức tổ chức phong phú, linh hoạt, phù hợp với lĩnh vực công tác gắn với việc thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Tại Đại hội, các đại biểu đã cùng đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong công tác thi đua, khen thưởng 5 năm qua và đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong 5 năm tới, nhất là việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 34/CT-TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị.

Đại hội cũng đã nghe đại diện các đơn vị, cá nhân tiêu biểu tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong phong trào thi đua, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn 2020- 2025.

Đóng góp tích cực vào kết quả chung

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những kết quả đạt được trong công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015-2020 của Văn phòng Quốc hội; ghi nhận những đóng góp, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Quốc hội cho nhiệm vụ chung của Quốc hội trong 5 năm qua.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Văn phòng Quốc hội đã có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội như: "Đổi mới, tận tụy, sáng tạo khoa học và chuyên nghiệp"; "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; "Tiết kiệm, chống lãng phí"; "Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội thi đua thực hiện văn hóa công vụ, văn hóa công sở"…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh cùng các đại biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện quy trình khen thưởng đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách công tác tại các cơ quan của Quốc hội - đã khắc phục bất cập trong công tác khen thưởng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị trong những năm qua.

Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với Ban Thư ký Quốc hội Lào, các cơ quan có liên quan tham mưu, đề nghị tặng thưởng và tổ chức trang trọng các buổi lễ trao tặng các Huân, Huy chương cao quý của Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Lào cho các tập thể, cá nhân của Quốc hội 2 nước nhằm ghi nhận, khen thưởng xứng đáng đối với công lao, đóng góp trong việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt giữa Quốc hội hai nước nói riêng và hai Nhà nước nói chung.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả phong trào thi đua đã khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực hơn trong việc tham mưu, giúp việc, đóng góp tích cực vào kết quả công tác chung của Văn phòng Quốc hội, của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội đã tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, mới, khó, phức tạp và giám sát hiệu quả nhiều chuyên đề, nhiều vấn đề nổi cộm được cử tri và nhân dân quan tâm, góp phần tạo ra sự chuyển biến thật sự trong đời sống xã hội; tổ chức thành công 9 kỳ họp, trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ Chín theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung; hoàn thành tốt đẹp trọng trách Năm Chủ tịch AIPA và Chủ tịch Đại hội đồng AIPA 41 dù phải đối mặt với những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra. Việc tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 đã được Quốc hội các nước bạn, cũng như đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân trong nước hoan nghênh, đánh giá cao.

Hướng các phong trào thi đua vào việc đổi mới, cải tiến cách thức, lề lối làm việc

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt hơn công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, phải thật thấm nhuần và làm theo những lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước: "Thi đua là thực hiện tốt công việc hàng ngày"; "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ; trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi; sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi"... "Như vậy, nội dung thi đua phải bám sát với yêu cầu nhiệm vụ để tham mưu, đề xuất được nhiều nội dung thiết thực trong phục vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cần hướng các phong trào thi đua vào việc thúc đẩy đổi mới, cải tiến cách thức, lề lối làm việc, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tinh nhuệ, nhiệt huyết, tận tụy. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động một mặt cần nỗ lực cao nhất để làm tốt công việc của mình, mặt khác, cần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp để phấn đấu cùng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, Văn phòng Quốc hội phải thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức phát động phong trào thi đua để tránh sự dập khuôn, cứng nhắc; tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể trong từng năm. Từng đơn vị trong Văn phòng Quốc hội cần xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để cụ thể phương hướng, nhiệm vụ thi đua khen thưởng trong thời gian tới. Đồng thời, Văn phòng Quốc hội có các biện pháp động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự nguyện tham gia các phong trào thi đua, gương mẫu thực hiện văn hóa công vụ, văn hóa công sở, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, quan tâm phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến để nêu gương, học tập và lan tỏa đến mọi người tinh thần cống hiến, phục vụ Quốc hội, phục vụ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Văn phòng Quốc hội cần chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, nói không đi đôi với làm. Theo đó, việc thi đua yêu nước cần gắn với việc tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Văn phòng Quốc hội tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác khen thưởng, bảo đảm khách quan, chính xác, công bằng, kịp thời, ghi nhận, biểu dương, tôn vinh các cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt, chú trọng khen thưởng những người lao động trực tiếp...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Văn phòng Quốc hội cần chú trọng kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại, nhất là tính hình thức. Qua đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng, nhất là sớm đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định về khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm, Trưởng Ban Thi đua Văn phòng Quốc hội trao Bằng khen cho các đại biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tại Đại hội, có 5 tập thể và 24 cá nhân đã nhận Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV của Văn phòng Quốc hội đã thông qua danh sách đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc gồm 12 đại biểu.

Tại Đại hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020- 2025 với chủ đề: "Gương mẫu thực hiện văn hóa công vụ, công sở, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong nhiệm vụ".

*Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và các đại biểu tham dự Đại hội đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo TTXVN/Báo Tin tức