Lan tỏa phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động giai đoạn 2016-2020, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp và toàn dân được phát huy, nhờ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực, tạo diện mạo mới, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân vùng nông thôn toàn tỉnh.

Hưởng ứng phong trào thi đua, MTTQ, các hội, đoàn thể, các sở, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị mình; triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động gắn với phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” để tổ chức triển khai thực hiện.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Phan Bình

Thông qua phong trào thi đua đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy trong đội ngũ cán bộ và nhân dân qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình: “1 phải, 5 giảm’, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, tưới nước tiết kiệm, cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; hay các mô hình: “Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp”, “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “4 mới”, “4 nhất”, “3 trách nhiệm”; Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản của địa phương. Tiêu biểu như bà Trần Thị Tân, xã Tri Hải (Ninh Hải); hộ ông Nguyễn Thất ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn); hộ ông Châu Văn Năng ở xã An Hải (Ninh Phước); hộ ông Nguyễn Tiềm ở Công Hải (Thuận Bắc)… doanh thu của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi với hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ có doanh thu trên vài tỷ đồng/năm, đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, tác động tích cực đến việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.

Đặc biệt, trong triển khai xây dựng NTM vai trò người dân được đưa lên hàng đầu. Điển hình như tại Ninh Phước, với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy nội lực trong dân, huy động nguồn lực xây dựng NTM. 10 năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực xây dựng NTM gần 2.304,36 tỷ đồng, trong đó điều đáng quý là sự vào cuộc, hưởng ứng quyết tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, các doanh nghiệp, HTX và các tổ chức kinh tế khác góp hơn 307,25 tỷ đồng, chiếm 13,3%; dân góp 118,169 tỷ đồng (trong đó hiến đất 137.948 m2, hàng chục ngàn ngày công và tiền mặt để thực hiện vật xây dựng kết cấu hạ tầng, điện đường nông thôn), chiếm 5,1%. Trở thành địa phương đầu tiên cấp huyện được công nhận huyện NTM.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thu hoạch lúa vụ hè - thu. Ảnh: Phan Bình

Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã huy động, phân bổ trên 8.798 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và các hạ tầng khác cho vùng nông thôn, góp phần hoàn thiện hệ thông cơ sở hạ tầng thiết yếu của tỉnh theo tiêu chí NTM. Kết quả thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM của 47 xã trong toàn tỉnh tính đến nay: Có 25/47 xã (53%) đạt chuẩn xã NTM; Ninh Phước được công nhận huyện NTM; Ninh Hải đang hoàn tất các thủ tục để đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM; bình quân 15 tiêu chí/xã và không còn số xã đạt dưới 10 tiêu chí; đạt được các mục tiêu cơ bản của chương trình theo kế hoạch từng năm, từng giai đoạn và hoàn thành chỉ tiêu của giai đoạn 2010-2020 sớm trước 1 năm.

Phong trào thi đua xây dựng NTM đã thật sự thay đổi bộ mặt nông thôn. Đời sống người dân được nâng cao, tạo ra một diện mạo NTM hiện đại, văn minh; giải quyết được những vấn đề cấp thiết liên quan mật thiết tới đời sống người dân, đó là đường-trường-điện-trạm và các thiết chế văn hóa, làm nền tảng cho phát triển. Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng mở rộng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn được xây dựng, nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện; giải quyết việc làm đạt được kết quả quan trọng; cảnh quan môi trường nông thôn khởi sắc. Hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển quy mô và chất lượng, mạng lưới trường lớp được đầu tư rộng khắp. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tăng cường, lao động được giải quyết việc làm ổn định hằng năm góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh phát triển.