Ninh Sơn: Cải tạo chất lượng đàn bò, hướng đến chăn nuôi hiệu quả

Chăn nuôi gia súc được xem là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của huyện Ninh Sơn, trong đó chăn nuôi bò với tổng đàn trên 20.000 con.

Theo ông Nguyễn Minh Hướng, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ninh Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, giúp người dân chủ động cải tạo con giống, nhiều năm qua, huyện Ninh Sơn đã có nhiều giải pháp thúc đẩy chăn nuôi phát triển, trong đó chú trọng việc hỗ trợ bò đực giống hoặc sử dụng liều tinh bò để thụ tin nhân tạo (TTNT) nhằm tạo ra con lai có thể trạng, tầm vóc lớn cho giá trị kinh tế cao thay thế giống bò vàng cho năng suất thấp.

Việc cải tạo chất lượng đàn bò địa phương đã được triển khai nhiều năm qua, đa số bò địa phương là bò vàng hay còn gọi bò cỏ, có tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm, tỷ lệ thịt ít, so với giống bò lai có thể trạng to, khỏe, trọng lượng lớn nên được giá cao giúp người chăn nuôi tăng thu nhập. Bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, mỗi năm Trạm Khuyến nông huyện phối hợp thực hiện nhiều mô hình cải tạo chất lượng bò địa phương bằng kỹ thuật phối giống TTNT, tiếp nhận của tỉnh hàng trăm liều tinh bò Brahman, Red Angus, BBB (3B) hỗ trợ người chăn nuôi, cùng với đó là xây dựng mô hình ở các xã, thị trấn hỗ trợ mua bò đực giống nhảy trực tiếp, hiện nay hầu hết mỗi địa phương đều có 1-2 con bò đực giống đáp ứng nhu cầu cải tạo trong chăn nuôi của người dân.

Bò lai có thể trạng, tầm vóc to, khỏe và cho nhiều thịt nên có giá trị kinh tế cao giúp người chăn nuôi tăng thu nhập.

Có thể nói, chăm sóc bò đúng kỹ thuật song hành với việc chọn giống bò tốt cũng là điều kiện quan trọng giúp người chăn nuôi nâng cao nguồn thu nhập. Bà Hà Thị Hậu, thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn, cho biết: Với hộ nuôi bò sinh sản từ vài con như gia đình tôi thì không đủ điều kiện đầu tư mua bò đực giống vì giá tiền cao, trước đây chưa có bò đực giống ngoại tôi thường phối giống bò vàng, nhưng nhiều năm trở lại đây tôi được hỗ trợ liều tinh TTNT giống bò 3B, hoặc cho phối giống bò Brahman nhảy trực tiếp. Nếu như với giống bò vàng được chăm sóc tốt, 1 con bê tôi nuôi hơn 7 tháng tuổi bán cho thương lái có giá 10 triệu đồng, thì với con bê lai hiện nay tôi bán được giá gần 15 triệu đồng. Bê lai sinh ra có vóc dáng to, khỏe hơn và lớn nhanh.

Khi bò lai có giá trị kinh tế cao, người chăn nuôi cũng dần dần mạnh dạn trong việc đầu tư mua bò đực giống ngoại để cải tạo đàn bò. Ông Phạm Văn Tin, thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn, cho biết: Thay vì nhờ người làm dịch vụ đến nhà phối giống cho đàn bò cái của gia đình, tôi đầu tư mua 1 con bò đực giống Brahman gần 50 triệu đồng để phối giống, đồng thời làm dịch vụ phối giống cho bà con quanh vùng. Nhưng với số bò cái của gia đình là bò vàng cho phối với giống bò đực Brahman thì chất lượng thuần chủng chưa cao, khi có điều kiện, tôi sẽ đầu tư mua bò cái thuần chủng để tạo ra bê con thuần chủng có giá trị kinh tế cao hơn nữa.

Ông Nguyễn Minh Hướng, cho biết thêm: Do việc chăn nuôi nhỏ lẻ, cùng với đó là điều kiện kinh tế hộ chăn nuôi còn khó khăn, nên việc đầu tư bò đực giống hoặc bò cái thuần chủng chưa nở rộ nhiều vì có giá thành cao. Đa số chỉ có những người làm trang trại hoặc chăn nuôi bò bầy hàng chục con mới mạnh dạn đầu tư và vẫn có người dân mua bò cái thuần chủng về nuôi để có con giống tốt nhưng rất hạn chế. Vì vậy số lượng bò lai trên địa bàn chỉ chiếm khoảng 42% trên tổng đàn bò địa phương. Thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư giống bò đực và bò cái thuần chủng nuôi hướng thịt để cải tạo đàn bò đạt chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế.

Tin rằng không bao lâu nữa đàn bò vàng ở địa phương sẽ được thay thế bằng những đàn bò lai cho hiệu quả kinh tế cao. Đây có thể xem là bước đột phá nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa có giá trị.