Kỳ vọng về một nền hòa bình không xa cho Libya

Cuộc đàm phán mang tên “Đối thoại Libya” đã khép lại với việc các bên xung đột đồng ý thoả hiệp nhằm duy trì ngừng bắn và các cuộc đàm phán mở để giải quyết bất đồng. Động thái trên đã mở ra hy vọng mới cho đất nước Bắc Phi này.

Chia rẽ chính trị và bạo lực

Đất nước Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị, phân cực sâu sắc và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Năm 2015, Maroc đăng cai các cuộc đàm phán hoà bình do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ giữa các bên xung đột ở Libya. Cuộc đàm phán tại thành phố Skhirat dẫn đến thỏa thuận chính trị với việc thành lập Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA). Tuy nhiên, sau thỏa thuận này, tại Libya vẫn tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA của Thủ tướng Fayez al-Serraj, kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của LHQ, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ. LNA còn nhận được sự ủng hộ về chính trị của nhiều cường quốc như Mỹ, Pháp. Từ nhiều năm nay, lực lượng LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông luôn trong trạng thái đối đầu với GNA được LHQ công nhận tại Libya.

Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4-2019 khi tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Theo thống kê, tình trạng bạo lực tại Libya đã khiến hàng nghìn người thương vong và buộc hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ thảm hoạ nhân đạo có thể bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này.

Con đường hòa giải và đối thoại chính trị ở Libya trở nên mờ mịt khi cán cân quyền lực giữa phe miền Đông và miền Tây đã thay đổi theo hướng có lợi cho Tướng Haftar. Hình thức hỗ trợ được cho là hiệu quả của nước ngoài đã giúp Tướng Haftar giành phần lớn (trên 70%) lãnh thổ Libya, khiến diện tích quản lý thực tế của GNA bị thu hẹp còn một vùng rất nhỏ ở thủ phủ Tây Bắc đất nước. Cuộc tấn công của các lực lượng miền Đông vào miền Tây cũng đồng nghĩa với việc “đặt dấu chấm hết” cho các thỏa thuận đã đạt được trước đó giữa Tướng Haftar và Thủ tướng Al-Sarraj về lộ trình chính trị và tổ chức bầu cử.       

Về phần GNA, mặc dù nhận được sự ủng hộ của LHQ và được quốc tế công nhận, song thế và lực của GNA không đủ mạnh để duy trì quyền lực và kiểm soát tình hình đất nước. Chính vì GNA không đủ khả năng kiểm soát tình hình đất nước, một số ý kiến cho rằng Tướng Haftar mới là người duy nhất có thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn ở Libya, và những việc làm của ông Haftar được không ít người ủng hộ.

Libya thời hậu “Mùa Xuân Arab” đã trở thành một đất nước bị phân chia và cạnh tranh quyền lực, một vùng đất đầy rẫy sự mất an ninh, bất ổn kinh tế, xã hội bị xáo trộn. Các phe phái chính trị lợi dụng mâu thuẫn giữa các bộ tộc để kích động đối đầu, khiến bối cảnh ở Libya ngày càng phức tạp và hỗn loạn.

Cũng phải kể đến tác động của các thế lực bên ngoài. Nhiều nước trong khu vực như Saudi Arabia, UAE… được cho là đang đứng đằng sau ngấm ngầm hậu thuẫn phe của Tướng Haftar. Các cường quốc thế giới như Mỹ, Anh, Pháp và thậm chí cả Nga, Italy cùng nhiều nước đang có những toan tính địa chính trị khác nhau đối với Libya. Tình hình cho thấy Libya khó bề yên ổn chừng nào các thế lực bên ngoài không đạt được đồng thuận chung để đi đến một giải pháp mà các bên liên quan cùng chấp nhận được, và những nỗ lực của LHQ sẽ chỉ như “công dã tràng”.

Những diễn biến ở Libya cho thấy sau biết bao hội nghị và sáng kiến cũng như nỗ lực với sự dẫn dắt của LHQ, mọi giải pháp chấm dứt tình trạng khủng hoảng và bất ổn kéo dài suốt 9 năm qua tại Libya chỉ có thể đạt hiệu quả nếu các bên đối địch ở quốc gia Bắc Phi chịu gạt bỏ toan tính riêng, cùng đưa ra những thỏa hiệp cần thiết để có thể cùng bắt tay hoạch định tương lai đất nước.

Những thỏa hiệp hướng tới hòa bình

Tiến trình Berlin về Libya, một khuôn khổ quốc tế duy nhất mang lại cơ hội thực tế cho cuộc đối thoại chính trị cần thiết để sớm chấm dứt xung đột tại Libya bắt đầu vào năm 2019 với nỗ lực của Đức và ông Ghassan Salame - đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ vào thời điểm đó.

Tháng 1-2020, một hội nghị với thành phần tham dự rộng rãi đã diễn ra tại Berlin để thúc đẩy sự đồng thuận và đảm bảo môi trường quốc tế cho các cuộc đàm phán nội bộ tại Libya. Bản tuyên bố kết thúc Hội nghị Berlin về Libya dài 8 trang, với 55 điểm, nổi bật là cam kết chấm dứt vận chuyển vũ khí tới Libya, ngừng can thiệp của nước ngoài cùng những điểm cụ thể hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài ở quốc gia Bắc Phi.

Hội nghị đạt được “bước tiến lớn“ khi GNA và LNA, hai bên xung đột chính ở Libya, cùng nhất trí tham gia vào cơ chế có tên gọi “Ủy ban quân sự 5+5” với mục đích chính là đàm phán hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài. Đại diện các nước cũng cam kết tôn trọng và kiểm soát chặt chẽ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, chấm dứt việc hỗ trợ cho các bên xung đột với mục tiêu lâu dài là biến thỏa thuận ngừng bắn hiện nay thành một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Kết quả đạt được đã làm sống lại hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng lâu nay mà nhiều người còn gọi là một “cuộc chiến ủy nhiệm” ở Libya.

Kết quả của Hội nghị Berlin về Libya đầu năm 2020 đã được hiện thực hóa khi ngày 21-8, GNA được LHQ công nhận và lực lượng LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông đã tuyên bố về một lệnh ngừng bắn trên khắp cả nước. Thỏa thuận dự kiến một lệnh ngừng bắn, vấn đề hồi hương các chiến binh nước ngoài, các phương thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa dầu mỏ và khởi động lại tiến trình chính trị dẫn đến một loạt cải cách và cuối cùng là khả năng về một cuộc bầu cử công bằng vào tháng 3-2021. Thỏa thuận được dư luận quốc tế hết sức hoan nghênh.

Hơn 2 tuần sau khi bất ngờ công bố ngừng bắn, cuộc đàm phán mang tên “Đối thoại Libya” nhằm duy trì ngừng bắn và các cuộc đàm phán mở để giải quyết bất đồng giữa các phe đối địch tại Libya đã diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 7-9) tại thị trấn ven biển Bouznika, phía Nam thủ đô Rabat của Maroc. Tham gia đàm phán có 5 thành viên của GNA và 5 đại diện của nghị viện ở miền Đông. Dưới sự trung gian của Maroc, các bên đã đạt được “những thỏa hiệp quan trọng”. Cụ thể đồng ý phối hợp để xoá bỏ nạn tham nhũng và hành vi lạm dụng công quỹ, đồng thời chấm dứt sự chia rẽ về thể chế, mở đường cho một giải pháp chính trị toàn diện.

Giới phân tích cho rằng, một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya phải do chính người dân Libya quyết định, dưới sự bảo trợ của LHQ. Với những gì đã đạt được, những người vốn mất niềm tin vào một giải pháp chính trị cho vấn đề Libya cũng có thể tin tưởng về một điều gì đó tốt đẹp hơn chiến tranh, xung đột và bất ổn lâu nay ở quốc gia Bắc Phi. Người dân Libya cũng có cơ sở vững chắc hơn để kỳ vọng về một nền hòa bình không xa ở nước này.

Theo TTXVN