Căng thẳng biên giới Trung Quốc - Ấn Độ lại bùng phát

Trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc-Ấn Độ vẫn chưa hạ nhiệt kể từ hồi tháng 6-2020 và đến nay hai bên vẫn đang tổ chức các cuộc đàm phán song phương tìm cách giảm leo thang căng thẳng, thì vụ nổ súng mới nhất ở khu vực biên giới Tây Himalaya lại tiếp tục làm thổi bùng lên mâu thuẫn giữa hai nước.

Leo thang căng thẳng

Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, có lịch sử dài của những cạnh tranh và mâu thuẫn. Ấn Độ và Trung Quốc có chung một trong những biên giới đất liền dài nhất thế giới. Năm 1962, hai nước tham gia cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ở dãy núi Himalaya và những cuộc giao tranh tiếp tục nổ ra lẻ tẻ trong các thập kỷ sau đó. Năm 2017, lực lượng hai bên đã đối đầu kéo dài hàng tháng trên cao nguyên Doklam đang tranh chấp, trên biên giới không rõ ràng giữa Trung Quốc và Bhutan. Mặc dù không phải là một phần của lãnh thổ Ấn Độ, song khu vực này nằm gần “cổ gà”, hành lang chiến lược đóng vai trò là động mạch quan trọng giữa Delhi và các quốc gia phía Đông Bắc.

Sau nhiều tháng căng thẳng và diễn tập bắn đạn thật, hai bên cuối cùng đồng ý rút lui vào tháng 8-2017. Năm 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý hợp tác tránh để phát sinh tranh chấp biên giới. Nhưng bất chấp thỏa thuận, căng thẳng vẫn tiếp tục.

Trong bối cảnh căng thẳng, từ ngày 6-6, hai nước đã bắt đầu tiến hành đàm phán quân sự cấp cao, nhất trí chấm dứt tình trạng đối đầu quyết liệt kéo dài một tháng qua ở vùng núi phía Đông Ladakh thông qua đối thoại hòa bình. Nhưng bất chấp các cuộc đàm phán quân sự cấp cao đang diễn ra, các cuộc đụng độ ở biên giới vẫn tiếp diễn. Vào đêm ngày 15-6, vụ đụng độ giữa binh lính hai nước tại thung lũng Galwan lại tiếp tục đẩy quan hệ hai nước rơi vào căng thẳng. Ấn Độ cho biết, vụ đụng độ này đã khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng và 76 người bị thương, trong khi Trung Quốc không công bố số liệu thương vong bên phía mình. Sau vụ đụng độ, Trung Quốc vào cuối tháng 6 đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới này. Đáp lại, Ấn Độ cũng điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc LAC.

Ngày 8-9, Ấn Độ và Trung Quốc lại tiếp tục cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước trong một cuộc đối đầu mới nhất ở khu vực biên giới Tây Himalaya, vi phạm thỏa thuận mà hai bên đã đạt được từ năm 1996 và khiến căng thẳng gia tăng thêm.

Tuyên bố của Quân đội Ấn Độ cho biết, vào tối ngày 7-9, binh sĩ Trung Quốc tiến gần đến phần của Ấn Độ kiểm soát tại Ranh giới thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh. Tuyên bố nêu rõ: “Khi bị binh sĩ Ấn Độ ngăn cản, binh sĩ Trung Quốc đã bắn chỉ thiên nhằm đe dọa binh sĩ Ấn Độ”. Quân đội Ấn Độ cũng khẳng định binh sĩ của mình “hoàn toàn không vượt quá LAC hay sử dụng bất kỳ phương tiện tấn công nào bao gồm cả nổ súng, và đã hành động rất kiềm chế”.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cho rằng binh sĩ Ấn Độ đã vi phạm đường ranh giới không chính thức ở phía Nam hồ Pangong Tso. Một đại diện của Bộ chỉ huy miền Tây của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết: “Binh sĩ Ấn Độ đã đe dọa nổ súng vào lực lượng tuần tra biên giới của Trung Quốc khi lực lượng này đến để đàm phán, khiến lính biên phòng Trung Quốc buộc phải có biện pháp đáp trả để ổn định tình hình”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định binh sĩ Ấn Độ đã vượt qua LAC một cách trái phép và là phía nổ súng trước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) trong cuộc họp báo ngày 8-9 đã đánh giá “đây là một khiêu khích quân sự nghiêm trọng”.

Đàm phán chưa hiệu quả

Những diễn biến mới nhất này lại làm thổi bùng lên những căng thẳng giữa hai nước trong vài tháng trở lại đây. Điều đáng nói là xung đột diễn ra bất chấp việc hai nước vẫn đang tiến hành đàm phán để giải quyết căng thẳng.

Suốt hơn 4 thập kỷ qua, một loạt thỏa thuận giữa Trung Quốc và Ấn Độ bằng văn bản hoặc phi văn bản, được duy trì như một lệnh ngừng bắn dọc theo đường biên giới rìa phía Đông của khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya. Tuy nhiên thực tế những xung đột và động thái của hai bên trong một vài tháng qua đã khiến cho tình hình trở nên không thể dự đoán được, làm gia tăng rủi ro xảy ra tính toán sai lầm từ cả hai phía và có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, vượt qua khỏi phạm vi khu vực hẻo lánh.

Trung tướng D.S.Hooda, người đứng đầu Bộ Chỉ huy phía Bắc của quân đội Ấn Độ giai đoạn 2014-2016, từng nói: “Tình hình trên thực địa rất nguy hiểm và có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tất cả phụ thuộc vào việc liệu hai bên có thể kiểm soát tình hình rất dễ biến động này và đảm bảo rằng nó không lan sang các khu vực khác hay không?”.

Trong thời gian qua, hai cường quốc châu Á đã tổ chức nhiều vòng đàm phán, chủ yếu là giữa các chỉ huy quân sự, nhưng thực tế chưa thành công. Cụ thể, sau sự việc đụng độ vào giữa tháng 6 vừa qua khiến ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng ở Thung lũng Galwan, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí rút quân dọc khu vực biên giới tranh chấp. Kết quả này có được sau các cuộc đàm phán hòa giải giữa các tư lệnh quân đội hai nước. Tuy nhiên thực tế việc rút quân dọc biên giới để giảm đối đầu vẫn chưa được hoàn tất.

Mới đây nhất, ngày 4-9, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cũng đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng SCO tại Moskva (Nga). Đây là cuộc gặp trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ khi căng thẳng biên giới bùng phát ở khu vực Ladakh cách đây 4 tháng. Tuy nhiên, kết quả của cuộc gặp này rất hạn chế,chỉ được xem là nơi để quan chức quốc phòng cấp cao của hai nước trao đổi quan điểm.

Về phía Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng nước này tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng hành động của quân đội Trung Quốc gồm tập trung một số lượng lớn binh lính và vũ khí tại biên giới, cách hành xử và nỗ lực để thay đổi nguyên trạng đã vi phạm các thỏa thuận song phương. Chính vì thế, Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc phối hợp để cùng rút quân trên cơ sở các thỏa thuận song phương và quy trình được đặt ra. Còn về phía Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa cho rằng trách nhiệm gây nên tình trạng căng thẳng biên giới hiện nay giữa hai nước là ở phía Ấn Độ. Phía Trung Quốc cũng hối thúc Ấn Độ tuân thủ thỏa thuận giữa hai bên, tăng cường kiểm soát binh lính tiền tuyến, không vượt qua đường LAC để tiến hành khiêu khích, không có các hành động có thể khiến tình hình nóng lên.

Ngoài công nghệ, chính phủ Ấn Độ cũng cho biết, nước này quyết định sẽ không tham gia bất cứ thỏa thuận thương mại nào có Trung Quốc là thành viên do những những vấn đề nước này đang phải đối mặt đều có liên quan tới Trung Quốc. Minh chứng là việc Ấn Độ đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) năm 2019.

Tâm lý tẩy chay sản phẩm Trung Quốc dâng khá cao ở Ấn Độ thời gian qua, song theo các chuyên gia tâm lý này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì Ấn Độ vốn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng rõ ràng, mỗi khi những căng thẳng bùng lên ở biên giới Trung-Ấn sẽ lại đánh thức những quan điểm dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ trỗi dậy. Chỉ cần thêm một “mồi lửa nhỏ” cũng có thể bùng thành lửa giận dữ đe dọa sự ổn định trong mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này.

Theo TTXVN