Sản xuất vụ mùa Ứng phó với diễn biến của thời tiết

Thời điểm sản xuất vụ mùa gặp khó hơn so với vụ đông - xuân và vụ hè - thu do thời tiết diễn biến khó lường. Thường thì đầu vụ nắng nóng gây khô hạn, cuối vụ có mưa gây úng ngập. Để sản xuất vụ mùa năm 2020 có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh đề ra các giải pháp sản xuất linh hoạt ứng phó với thời tiết.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Thuận, lượng mưa tháng 9 và tháng 11 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, lượng mưa vùng ven biển phổ biến từ 120-150 mm, vùng núi từ 170-210 mm. Lượng mưa các tháng 10 và 12 thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, khả năng có lũ báo động 2 đến báo động 3. Về tình hình nguồn nước, tính đến ngày 1-9, tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh tích được 33,77 triệu m3/194,49 triệu m3, chiếm 17,16% dung tích thiết kế. Lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 117,54 triệu m3/165 triệu m3, chiếm 71,24% dung tích thiết kế; lượng nước vào hồ là 26,53 m3/s và đang xả nước với lưu lượng 25,7 m3/s.

Hồ Bà Râu (Thuận Bắc) điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nông dân địa phương. Ảnh: Phan Bình

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Căn cứ dự báo tình hình thời tiết, thủy văn, nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương, đến thời điểm hiện nay thì cơ bản đảm bảo nguồn nước phục vụ cho người dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nguồn nước cho cây trồng lâu năm từ nay đến cuối năm 2020. Nguồn nước còn lại phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ mùa, với 3 phương án, cụ thể:

Phương án 1: Trong điều kiện tháng 9 trên địa bàn tỉnh không có mưa, các hồ không có lượng nước bổ sung, hồ Đơn Dương dung tích 120 triệu m3, thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới 12/21 hồ chứa (trừ hồ Phước Nhơn, Mai Trai, CK7, Suối Lớn, Sông Biêu, Nước Ngọt, Ông Kinh, Tà Ranh, Lanh Ra), toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc hồ, đập nhỏ do các huyện quản lý, với tổng diện tích 16.397 ha; trong đó, lúa hơn 8.973 ha, màu hơn 7.403 ha, thủy sản hơn 19 ha.

Phương án 2: Trong điều kiện tháng 9 trên địa bàn tỉnh có mưa, dung tích các hồ chứa đạt trên 50% dung tích thiết kế; hồ Đơn Dương dung tích trên 120 triệu m3 thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 18/21 hồ chứa (trừ hồ Mai Trai, CK 7, Tà Ranh), toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc hồ, đập nhỏ do các huyện quản lý, với tổng diện tích hơn 21.646 ha; trong đó, lúa gần 12.300 ha, màu hơn 9.322 ha, thủy sản 24,67 ha.

Hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: S.N

Phương án 3: Trong điều kiện tháng 9 có mưa trên diện rộng, dung tích các hồ chứa đạt trên 65% dung tích thiết kế; hồ Đơn Dương dung tích trên 120 triệu m3, căn cứ vào thực tế, Sở NN&PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, các địa phương sẽ điều chỉnh diện tích cây trồng cho phù hợp. Diện tích sản xuất dự kiến hơn 25.366 ha; trong đó, lúa hơn 14.115 ha, màu hơn 11.216 ha, thủy sản 24,67 ha.

Để chủ động triển phai phương án sản xuất vụ mùa 2020, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương hướng dẫn thực hiện gieo trồng đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống. Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh, dự tính, dự báo, cảnh báo hướng dẫn nông dân thực hiện kịp thời khi còn ở phạm vi nhỏ. Phối hợp với các địa phương triển khai cánh đồng lớn đảm bảo đạt hiệu quả, áp dụng kịp thời các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với hạn hán, như: Mô hình tưới tiết kiệm nước, xen canh, luân canh, quy trình VietGAP…

UBND tỉnh cũng đã giao Công ty TNHH MTV Khai thai thác công trình thủy lợi tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết; đồng thời, phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước từ nay đến cuối năm 2020 để đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Chủ động điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với lịch sản xuất, cụ thể đến từng khu vực, xứ đồng; tăng cường công tác nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo điều tiết nước nhanh, kịp thời cho sản xuất, tránh lãng phí nguồn nước. UBND các huyện, thành phố xây dựng và tổ chức kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm 2020 trên địa bàn; hướng dẫn, khuyến cáo nông dân tổ chức xuống giống tập trung, đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, xứ đồng theo lịch thời vụ.