Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Hồ sơ đăng ký dự thi giảm

Lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) sẽ giảm hơn so với năm 2010. Và dù vẫn có số lượng lớn nhưng không phải ở khu vực nào, hồ sơ ĐKDT vào các ngành khối kinh tế cũng áp đảo... Đó là những nhận định của các sở GD-ĐT sau khi kết thúc thời hạn nhận hồ sơ ĐKDT theo tuyến sở.

Thí sinh và phụ huynh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại cơ quan đại diện
Bộ GD-ĐT ở TP. Hồ Chí Minh

       17g ngày 14-4, các sở GD-ĐT trong cả nước đồng loạt kết thúc thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT qua tuyến sở. Sau thời hạn này, thí sinh còn một tuần (từ ngày 15 đến 21-4) để tiếp tục nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi.

       Chỉ bằng 30-50% năm trước

       Thống kê ban đầu tại nhiều sở GD-ĐT cho thấy hồ sơ ĐKDT có xu hướng giảm so với tuyển sinh năm 2010. Ông Nguyễn Văn Xứng, trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hải Dương), cho biết lượng hồ sơ của thí sinh tự do, vãng lai tại các điểm thi trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt so với năm 2010. Các điểm nhận được lượng hồ sơ của thí sinh tự do chỉ bằng 30-50% so với năm trước.

        Theo đánh giá của ông Xứng, lượng thí sinh tự do ĐKDT giảm là do năm trước có nhiều trường ĐH, CĐ tuyển bổ sung nguyện vọng 3 và các hệ đào tạo khác đã thu hút một lượng đáng kể thí sinh. Đồng thời, nhiều thí sinh không trúng tuyển đã tìm hướng đi khác thay vì tiếp tục thi lại. Tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Hải Dương, ông Xứng cho hay số lượng hồ sơ ĐKDT đều giảm.

        Tương tự, ông Bùi Đình Phúc, trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Thanh Hóa), cho biết theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh thu được 90.000 hồ sơ ĐKDT, giảm khoảng 2.000 hồ sơ so với năm 2010.

        Tại Hà Nội, tuy Sở GD-ĐT chưa kịp thống kê nhưng ở nhiều điểm thu hồ sơ của thí sinh tự do, lượng ĐKDT đều giảm. Tại điểm thu Phòng GD-ĐT huyện Từ Liêm, lượng hồ sơ giảm tới 70%, mới nhận được 300 bộ hồ sơ trong khi giờ này năm ngoái là hơn 1.000 bộ...

         Tại các tỉnh phía Nam cũng có xu hướng tương tự. Ông Vũ Tiến Cát, trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Khánh Hòa), dự báo lượng hồ sơ của thí sinh trên địa bàn tỉnh năm nay sẽ giảm.

        Không chỉ thí sinh tự do, tại các trường THPT, đánh giá của các cán bộ thu nhận hồ sơ tại nhiều trường THPT báo cáo với sở cho hay hồ sơ ĐKDT của học sinh lớp 12 ít hơn năm trước.

       Tại Bình Dương, bà Dương Thanh Nga, cán bộ Phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT, cho biết lượng hồ sơ ĐKDT của thí sinh tự do ít hơn hẳn năm trước. Tại các trường THPT, số lượng thống kê ban đầu cho thấy nhiều trường có số lượng hồ sơ ĐKDT thấp hơn năm 2010.

       Theo ông Lê Văn Đức - trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Đồng Nai), đến ngày 13-4 toàn tỉnh thu được khoảng 2.000 hồ sơ của thí sinh tự do, ít hơn gần 100 hồ sơ so với năm trước. Ông Đức dự kiến toàn tỉnh năm nay sẽ có xấp xỉ 50.000 hồ sơ ĐKDT, tăng khoảng 2.000 hồ sơ so với năm 2010 do năm nay số lượng tốt nghiệp lớp 12 của Đồng Nai tăng thêm 1.000 học sinh.

        Vắng vẻ khối C

         Về chọn lựa ngành dự thi, nhiều sở GD-ĐT dự báo khả năng giảm mạnh số lượng ĐKDT khối C vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trong tổng số hơn 2.200 hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ của học sinh Trường THPT Việt Đức - một trường nằm ở trung tâm TP Hà Nội - có tới gần 1.100 hồ sơ ĐKDT khối A nhưng chỉ có vỏn vẹn... ba hồ sơ ĐKDT khối C.

        Trong khi đó, thông tin từ nhiều sở GD-ĐT cho thấy hồ sơ ĐKDT vào khối ngành kinh tế vẫn chiếm số lượng lớn. Nhưng không phải ở khu vực nào, khối trường ngành kinh tế cũng là sự lựa chọn hàng đầu của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.

        Ông Nguyễn Văn Xứng cho hay thí sinh Hải Dương có xu hướng lựa chọn các ngành khối kỹ thuật - công nghệ nhiều hơn với số lượng hồ sơ tập trung nhiều nhất vào Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, ĐH Công nghiệp Hà Nội... Đối với các trường kinh tế, thí sinh có xu hướng chọn trường nằm trong tốp giữa như Trường ĐH Thương mại.

       Tương tự, là một trong những tỉnh, thành có số lượng hồ sơ ĐKDT tuyển sinh nhiều nhất trong cả nước, tại Thanh Hóa năm nay thí sinh cũng có xu hướng nghiêng về chọn các trường khối kỹ thuật.

       Ông Bùi Đình Phúc (Sở GD-ĐT Thanh Hóa) cung cấp các con số cụ thể: chỉ riêng hồ sơ của thí sinh Thanh Hóa ĐKDT vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã lên tới 9.000, chiếm 10% số lượng hồ sơ của toàn tỉnh. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội có 5.000 hồ sơ, tiếp đến là các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải... Xu hướng chọn các trường khối kỹ thuật - công nghệ của thí sinh Thanh Hóa còn thể hiện ở nhóm trường CĐ.

       Theo ông Lê Văn Đức (Sở GD-ĐT Đồng Nai), hướng ĐKDT được thí sinh Đồng Nai chọn nhiều nhất đều có mặt các trường khối kỹ thuật - công nghệ - nông lâm, trong đó hút được nhiều hồ sơ nhất là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM...

       Chọn trường gần nhà: Xu hướng chọn trường gần nhà năm nay càng rõ nét. Ông Vũ Tiến Cát (Sở GD-ĐT Khánh Hòa) cho hay các trường nhận được nhiều hồ sơ ĐKDT nhất của thí sinh tỉnh Khánh Hòa là những trường ĐH, CĐ công lập trên địa bàn tỉnh. Tương tự, tại Bình Dương, theo bà Dương Thanh Nga, thống kê sơ bộ cho thấy số lượng hồ sơ ĐKDT, đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH mới tinh trên địa bàn tỉnh chiếm số lượng nhiều nhất.Thí sinh tự do phía
       Nam tăng nhẹ: Ông Nguyễn Quốc Cường, phụ trách phòng tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết đến ngày 14-4, tổng số hồ sơ của thí sinh vãng lai nơi này nhận được khoảng 12.000, tăng nhẹ so với năm 2010. Trong đó nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm ưu thế với phần lớn hồ sơ. Theo ông Cường, hồ sơ nhiều nhất là vào các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Tài chính - marketing, Sài Gòn, Tôn Đức Thắng. Ở bậc CĐ, các trường CĐ Kinh tế đối ngoại, Công thương TP.HCM có nhiều hồ sơ nhất.
Nguồn Báo Tuổi trẻ