Dưa Chuột

Còn gọi là dưa leo, tra sac (Cămpuchia), cucumber (Anh), concombre (Pháp), hồ qua (Trung Quốc). Tên khoa học Cucumis sativus L. Thuộc họ Bí Cucurbitaceae.

Mô tả cây

Cây mọc bò, toàn thân có lông. Thân có nhiều cành, có góc. Lá mang cuống, phiến có từ 3-5 thùy hơi ba cạnh, mép có lông đứng. Hoa đơn tính, màu vàng, mọc 2- 3 ở nách lá. Quả hình thuôn dài, hình trụ hay hơi ba cạnh, nhẵn hoặc hơi có bướu nhỏ, có thể dài 10-36 cm. Màu lục hay lục vàng nhạt, vàng hay vàng nâu. Hạt nhiều, hình trứng, trắng, dai, bóng.

Công dụng và liều dùng

Theo tài liệu cổ (Bản thảo cương mục – Nam dược thần hiệu) Dưa chuột có tên hổ qua hay hoàng qua với những tính chất sau:

Quả dưa chuột có vị ngọt, tính hàn (lạnh) hơi có độc không nên dùng nhiều có tác dụng thanh nhiệt, giải phiền, lợi thủy đạo (tiêu nước).

Lá dưa chuột vị đắng, tính bình, hơi có độc, giã nát vắt lấy nước uống và nôn ra.

Dưa chuột chủ yếu được trồng làm thức ăn, làm thuốc ở Ấn Độ và Ai Cập ít nhất từ trên 4000 năm. Việc sử dụng này được lan truyền từ những nước ấy đến các dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và Latinh.

Về mặc thức ăn, những thầy thuốc dinh dưỡng cho rằng dưa chuột ăn sống khó tiêu và những người có dạ dày dễ mẫn cảm khó chấp nhận. Nhưng dưa chuột là món ăn mát và lợi tiểu (phù hợp với kinh nghiệm cổ).

Đặc biệt người ta dùng dưa chuột trong mỹ phẩm và chữa bệnh ngoài da từ rất lâu đời: Cắt dưa chuột thành từng lát mỏng đắp lên da mặt chữa những vết nhăn, da xù xì, những vết tàn nhang, một số vùng ở nước ta nhân dân dùng những quả dưa chuột non có thêm đường chữa lỵ, nhiệt và ỉa chảy (kinh nghiệm này có ghi trong Bản thảo cương mục từ thế kỷ 16)

Một số đơn thuốc có dưa chuột dùng trong nhân dân

1. Cổ họng sưng đau: Chọn một quả dưa chuột già, bỏ hết hột. Thêm mang tiêu vào cho đầy ruột quả, trộn đều phơi trong mát cho khô. Ngậm từng ít một (Theo Y lâm tập yếu).

2. Bụng chướng, chân tay phù nề: Lấy một quả dưa chuột già chín, loại bỏ hạt, thêm một ít dấm chua, nấu chín nhừ. Cho ăn lúc bụng đói. Bệnh nhân sẽ đái nhiều và hết phù nề (Thiên kim phương-BTCM).

3. Chữa nẻ môi: Dùng miếng dưa chuột tươi sát lên môi bị nẻ (Secrets et vertus des plants médicinales, 1977- SEVPM)

4. Da bị mẩn đỏ: Dùng nước ép dưa chuột bôi lên nhiều lần trong ngày (SEVPM-1977).

5. Chữa phỏng lửa chưa phồng da: 3 quả dưa chuột hái vào ngày 5 tháng 5 âm lịch (mùa hè) bỏ vào bình chat kín. Để ngoài hiên. Khi bị bỏng lấy nước trong bình dưa chuột mà bôi lên (Nam dược thần hiệu).