Năm học 2020-2021: Học sinh - sinh viên cần biết khi tham gia bảo hiểm y tế

Xung quanh vấn đề học sinh-sinh viên (HS-SV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), ông Nguyễn Mạnh Tú, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, cho biết: Năm học 2020-2021, HS-SV đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, không bao gồm những HS-SV đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật BHYT.

Đối tượng tham gia, mức đóng, phương thức đóng tiền BHYT

Mức đóng BHYT HSSV là 4,5% mức lương cơ sở tại thời điểm (1.490.000 đồng) nhân (x) với số tháng tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ BHYT. Trong đó, HS-SV đóng 70%, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Cụ thể: Số tiền HS-SV đóng BHYT của 1 tháng (70%) là 1.490.000 đồng x 4,5% x 70%= 46.935 đồng/tháng/HS-SV. Kỳ đóng BHYT: 3 tháng (140.805 đồng); 6 tháng (281.610 đồng); 12 tháng (563.220 đồng). Trường hợp HS-SV đã đóng BHYT theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng thì không phải đóng bổ sung phần chênh lệch mức đóng khi Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở cho thời gian đã đóng BHYT còn lại.

Phương thức đóng: Thực hiện đóng theo quy định tại Khoản 5 Điều 9, Khoản 7 Điều 13 Nghị định 146/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau: Từ tháng 7-2020 đến tháng 9-2020, HS-SV hoặc cha, mẹ, người giám hộ của HS-SV đóng cho những tháng còn lại của năm 2020 (thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 31-12-2020 và có thời hạn sử dụng thấp nhất là 3 tháng); từ tháng 10-2020, định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng HS-SV hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của HS-SV có trách nhiệm đóng BHYT phần thuộc trách nhiệm đóng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) thời gian tham gia BHYT của năm 2021.

Thời hạn thẻ BHYT có giá trị sử dụng: Thẻ BHYT được cấp hàng năm cho HS của cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó: Đối với HS lớp 1, thời hạn thẻ BHYT có giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 1-10-2020 (do thẻ BHYT cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi hết hạn sử dụng từ ngày 1-10-2020, trừ trẻ em sinh sau ngày 30-9-2014); đối với HS lớp 12, thời hạn thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-9-2021.

Thẻ BHYT được cấp hàng năm cho HS-SV của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó: Đối với HS-SV năm thứ nhất của khóa học, thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng; đối với HS-SV năm cuối khóa học, thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.

Phạm vi, quyền lợi BHYT

Phạm vi BHYT bao gồm: HSSV tham gia BHYT sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại trường học; khám chữa bệnh ngoại trú - nội trú tại các cơ sở y tế; các trường hợp tai nạn giao thông. HS-SV tham gia BHYT được quyền đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện và tương đương, không phân biệt địa giới hành chính. Ngoài quyền lựa chọn đăng ký KCB ban đầu nêu trên, HS-SV còn được quyền lựa chọn đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB theo Quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tại Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

HS-SV tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký KCB ban đầu vào tháng đầu mỗi quý trong năm (các tháng 1, 4, 7, 10 và thẻ BHYT có giá trị ngay sau ngày thực hiện điều chỉnh).

Quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT: Trường hợp KCB đúng tuyến nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ hoặc theo tuyến chuyên môn kỹ thuật (CMKT), được quỹ BHYT thanh toán theo mức: 100% chi phí KCB tại tuyến xã; 100% chi phí KCB đối với trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương số tiền 223.500 đồng); 100% chi phí KCB BHYT khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương số tiền 8.940.000 đồng). Người bệnh có trách nhiệm lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan BHXH cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm; 80% chi phí KCB BHYT đối với các trường hợp còn lại.

Trường hợp cấp cứu, được tiếp nhận tại bất kỳ cơ sở KCB BHYT nào và được hưởng quyền lợi như khi KCB đúng nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT hoặc theo đúng tuyến CMKT.

Trường hợp đi KCB vượt tuyến, trái tuyến (không đúng cơ sở y tế đăng ký ban đầu) và có trình thẻ, thì được hưởng quyền lợi KCB như sau: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Trường hợp KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT nhưng không đủ thủ tục theo quy định, người có thẻ BHYT tự thanh toán chi phí với cơ sở y tế và được quỹ BHYT thanh toán theo mức quy định.

Trường hợp đi KCB BHYT thông tuyến được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.

Lưu ý KCB thông tuyến: Người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh không bị coi là trái tuyến.