Kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020)

Phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập

75 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục. Từ một nước nghèo, lạc hậu, thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Hầu hết các lĩnh vực - nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - đều ngày càng phát triển, góp phần quan trọng cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân.

Nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển

Sau khi đất nước được độc lập, giai đoạn 1945-1954 là giai đoạn đầu tiên xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam và là giai đoạn khó khăn nhất. Cùng với nhiệm vụ thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam thực hiện chuyển nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém thành nền kinh tế dân chủ, độc lập phục vụ nhu cầu kháng chiến và kiến quốc.

Sang giai đoạn 1955-1975 đất nước bị chia cắt, nền kinh tế của hai miền cũng khác nhau. Miền Bắc thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất, phát triển kinh tế, tạo cơ sở kinh tế và chính trị vững chắc đưa miền Bắc tiến lên CNXH. Đến năm 1975, tổng sản phẩm xã hội ở miền Bắc tăng gấp 2,3 lần so với năm 1960, thu nhập quốc dân gấp 1,9 lần. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp gấp 3,4 lần. Còn nền kinh tế miền Nam giai đoạn 1945-1975 phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ Mỹ nhưng hết sức yếu ớt, trống rỗng.

Đến giai đoạn 1976-1985, sau khi dất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân ta. Nhân dân sôi nổi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) và kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985). Mặc dù đạt được một số thành tựu nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta thời kỳ trước đổi mới có nhiều hạn chế, thậm chí có những dấu hiệu khủng hoảng.

Thực hiện đổi mới, tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả ấn tượng

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới đất nước, chúng ta đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Sự nghiệp đổi mới đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong 10 năm 1990-2000, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của đạt 7,5%. Giai đoạn 2006-2010, nền kinh tế nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 101,6 tỷ USD (gấp 3,26 lần so với năm 2000).

Sang đến giai đoạn 2011-2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,8%/năm.

Riêng năm 2019, GDP tăng 7,02% và quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đã lên gần 2.800 USD. Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao thuộc loại hàng đầu của khu vực và IMF đánh giá Việt Nam nằm trong Top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước năm 2019 giảm còn dưới 4% so với từ 53% năm 1993... Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, tức nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.

Trong nửa đầu năm 2020, trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 khiến hàng loạt quốc gia phải đóng cửa để ngăn chặn dịch, các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đứt gãy, nhiều lĩnh vực dịch vụ, sản xuất bị đóng băng, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng khi là một trong số ít các quốc gia duy trì được mức tăng trưởng kinh tế dương. Đây được xem là dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ “chống dịch COVID-19”, xuất phát từ sức mạnh của sự đoàn kết, trách nhiệm của toàn xã hội và sự quyết tâm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên vị trí hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã tích cực thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bước đầu tạo môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh, phát triển, khơi thông các nguồn lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

Cơ cấu kinh tế đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Trong giai đoạn 2020-2020 tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 xuống 13,1% năm 2020; các khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng tương ứng từ 81,1% lên 86,9%, vượt mục tiêu đề ra.

Cơ cấu lao động đã có sự chuyển đổi tích cực, gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ tốt hơn các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp đã giảm mạnh, tỷ trọng lao động ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tăng liên tục. Năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm. Xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt: Năm 2013-2014 nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 70/148 quốc gia trong bảng xếp hạng. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Phát huy các lĩnh vực thế mạnh

Là một nước nông nghiệp với phần lớn dân số là nông dân, Việt Nam đã tăng cường phát triển các loại hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hiện đại. Từ chỗ còn thiếu ăn về lương thực, Việt Nam đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số bình quân lương thực đầu người với mức 525 kg/người năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm lâm, thủy sản của Việt Nam tăng đều qua các năm, đạt 41,3 tỷ USD năm 2019. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục, trong đó có cả các thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zeland...

Với nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2019, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt trên 2.046 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, đến nay đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 38 tỷ USD, bao gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phẩn.

Đặc biệt, du lịch là lĩnh vực gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong những gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng. Từ dấu ấn 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa năm 2016, đến năm 2019 các con số này đã tăng lên đáng kể, lần lượt là 18 triệu và 85 triệu. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt hơn 720.000 tỷ đồng. Việt Nam đã được vinh danh tại nhiều lễ giải quốc tế về du lịch như: “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á 2018”, “Điểm đến hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019: Hội An”, “20 quốc gia nên đến du ngoạn nhất trong năm 2020”…

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng

Tính đến đầu năm 2020, Việt Nam có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của ta; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Với 16 Hiệp định FTA đang thực thi và đàm phán, Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của nước ta với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới.

Điểm sáng của thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian gần đây là thúc đẩy ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 thúc đẩy triển khai Cộng đồng kinh tế ASEAN và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác, chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), hợp tác tiểu vùng Mekong…

Vượt qua những thử thách chưa từng có tiền lệ, Việt Nam đã xây dựng một mô hình kinh tế tổng quát là phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hiện đại và hội nhập quốc tế; hướng tới mục tiêu phát triển, lấy con người làm trung tâm, vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập.