Anh Đàng Chí Quyết tích cực vận động bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Bàu Trúc

Khu phố Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) có dân số gồm 589 hộ, với 2.945 nhân khẩu, trong đó có 555 hộ dân tộc Chăm, sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, sản xuất gốm, buôn bán nhỏ lẻ... Những ngày gần cuối tháng 7, có dịp trở lại đây, chúng tôi nhận ra đang có sự đổi mới về diện mạo cảnh quan với đường sá phong quang sạch đẹp hẳn ra. Kết quả trên có vai trò đóng góp quan trọng của anh Đàng Chí Quyết (ảnh), Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc.

Năm 2006, anh được bầu làm Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc. Trên cương vị của mình anh nhận thấy,đa số người dân trong khu phố đều biết làm gốm, nhưng vì điều kiện kinh tế, hàng gốm không tiêu thụ được nên nhiều hộ đã chuyển nghề khác sinh sống. Trước thực trạng đó, anh Quyết thường xuyên vận động bà con khu phố Bàu Trúc bảo tồn và phát triển làng nghề, gìn giữ di sản văn hóa cho cộng đồng. Mỗi khi đến ngày hội văn hóa các dân tộc hoặc có sự kiện văn hóa trong tỉnh, anh đều làm Trưởng đoàn đại diện cho người dân trong khu phố, thị trấn tham gia. Năm 2017, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận nghề làm gốm Bàu Trúc là di sản văn hoá phi vật thể.

Anh Quyết cho biết, trong các sự kiện văn hoá để lại dấu ấn, nổi bật nhất là lần phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào tháng 6-2018, tổ chức Đoàn nghệ nhân Chăm huyện Ninh Phước tham gia chương trình “Tết Trung thu” tại Bảo tàng Dân tộc học với chủ đề “Sắc màu Ninh Thuận” và lần phối hợp với làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong dip hè năm 2019, tổ chức đoàn nghệ nhân Chăm ra hoạt động văn hóa. Ở lần thứ nhất, đoàn đi khoảng 15-20 người, mang theo các sản phẩm đặc trưng của địa phương; trong 10 ngày đã tổ chức trình diễn nghề truyền thống gốm Chăm, dệt thổ cẩm và giới thiệu ẩm thực Chăm, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan tìm hiểu về văn hóa, di sản người Chăm Ninh Thuận. Tại sự kiện, anh Quyết phải liên tục tiếp và trả lời các phóng viên báo, đài và khách tham quan. Lần thứ hai, cũng với đoàn nghệ nhân trên và các hoạt động giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa Chăm tương tự, nhưng thời gian kéo dài 3 tháng. Trong cả 2 sự kiện đó, ngoài vai trò trưởng đoàn, anh Đàng Chí Quyết còn là nghệ nhân làm gốm, nhạc công chơi trống pa-ra-nưng, ghi-năng, diễn viên múa và kiêm luôn MC (dẫn chương trình).

Qua các sự kiện trên, anh Quyết đã quảng bá nghệ thuật truyền thống Chăm như các điệu múa quạt, múa lu, các nhạc cụ (trống ghi-năng, kèn sa-ra-nai, trống pa-ra-nưng, đàn ca-nhi, chiêng, lục lạc) và giới thiệu các món ẩm thực Ninh Thuận (dê, cừu nướng), ẩm thực của người Chăm (bánh củ gừng, bánh sa la ra). Ghi nhận nét độc đáo của văn hoá Chăm, Chính phủ đã đồng ý trình lên UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc), công nhận “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” là di sản văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp. Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, đoàn đại diện UNESCO đã về Bàu Trúc gặp anh Quyết, cùng vạch ra kế hoạch và phối hợp thực hiện. Là người am hiểu về tất cả các lĩnh vực văn hóa Chăm, biết rõ bước thăng trầm của nghề gốm Chăm, anh Quyết tích cực tham gia cung cấp thông tin, khảo sát điền dã, thu thập số liệu, tổ chức các buổi làm việc, hội thảo... phục vụ xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”. Đến nay hồ sơ đã hoàn thành, trình UNESCO, chờ xét duyệt đưa vào danh sách bảo vệ khẩn cấp.

Năm 2019, từ nguồn tài trợ của Hội đồng Anh, do Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nghệ thuật (VJ) trực tiếp thực hiện, Ban Du lịch cộng đồng làng nghề gốm Bàu Trúc được thành lập do anh Đàng Chí Quyết làm trưởng ban. Theo lời anh, đây là may mắn cho làng nghề, dựa vào di sản, anh tổ chức các nhóm: Gốm, đón tiếp khách, ẩm thực, văn nghệ, an ninh với 60 thành viên. Thông qua các nhóm, hằng tuần người dân được huy động tham gia tổng vệ sinh toàn khu phố, tuyên truyền không nuôi heo thả rông, duy trì phát triển nghề gốm, văn hóa; trẻ em được dạy múa; bà con được nhắc nhở sống đoàn kết tình làng, nghĩa xóm. Từ khi có Ban Du lịch cộng đồng, Bàu Trúc chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét nhất là vấn đề môi trường, an ninh trật tự, là nhân tố góp phần thu hút khách du lịch đến địa phương ngày càng đông. Vừa qua, để tạo bóng mát, làm đẹp cảnh quan du lịch, anh Quyết phát động trồng khoảng 120-130 cây bằng lăng 2 bên đường Đổng Dậu (đường gốm, mô hình điểm); ý tưởng này được bà con ủng hộ tự đóng góp tiền mua cây, nếu cây trước nhà ai thì nhà ấy tự chăm sóc. Dự định mùa mưa tới, Bàu Trúc sẽ tiếp tục trồng cây ở các đường khác.

Theo anh Đàng Năng Nhiêm, Phó trưởng Ban Du lịch cộng đồng làng nghề gốm Bàu Trúc, nhờ anh Quyết vận động, năm 2019, đền thờ Pôklong Chanh (tổ nghề gốm) được chỉnh trang, xây dựng mái hiên (kinh phí đóng góp 160 triệu đồng), mới đây xây thêm tường rào (30 triệu đồng). Qua đó nhắc người dân ý thức trách nhiệm về giữ gìn nghề gốm truyền thống. Ghi nhận thành tích hoạt động trong lĩnh vực phát triển văn hóa phi vật thể, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 cho anh Đàng Chí Quyết.