Cảm nhận về sự đổi mới của ngành Y tế Ninh Thuận

Được mời dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Y tế Ninh Thuận lần thứ VII (2020-2025), thông qua báo cáo và các tham luận, tôi cảm nhận một điều “Ngành Y tế thời gian qua đã có những bước phát triển khá toàn diện.

Trước hết là sự thay đổi nhận thức của đội ngũ thầy thuốc về thái độ phục vụ người bệnh cùng với việc tiếp tục duy trì Phong trào thực hiện lời dạy Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” nay đươc gắn với phong trào thi đua “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Từ năm 2017 – 2019, thông qua “Hòm thư góp ý”, “Đường dây nóng” ngành Y tế đã tiếp nhận 231 cuộc gọi phản ánh và 277 thư góp ý, có 123 thư khen, 62 thư cảm ơn về tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc. Còn nhớ, năm 2015 sự hài lòng của người dân đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ là 46%, đến tháng 6-2017 sự hài lòng của người dân tăng vọt lên 73,5%, năm 2018 là 77,7%, năm 2019 là 81,1%. Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ quy mô 800 giường bệnh (năm 2016) đến nay thực kê 1.200 giường với đội ngũ nhân lực trên 1.000 người, có gần một nửa là đại học và trên đại học, có 208 người là Bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, Thạc sĩ… tạo nguồn nhân lực cho đề án bệnh viện hạng I vào cuối năm 2020. Từ năm 2016, Bênh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai hơn 100 kỹ thuật mới, có khả năng thực hiện nhiều kỹ thuật điều trị của tuyến trung ương, nhiều kỹ thuật mới không phải bệnh viện tỉnh nào cũng làm được như phẫu thuật các dị tật bẩm sinh đường tiết niệu như lỗ tiểu đóng thấp… góp phần cứu chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân, cứu sống nhiều trường hợp đột quỵ, ngừng tim, ngừng thở, băng huyết sau sinh …. Bệnh viện không ngừng cải tiến, đổi mới phương thức làm việc đã rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh khám lâm sàng đơn thuần chỉ còn 30 phút, giảm 15 phút, có kèm thêm kỹ thuật xét nghiệm hay chuẩn đoán hình ảnh giảm 30 phút so với trước đây. Tỷ lệ chuyển viện giảm, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại chấn thương, chuyển viện chủ yếu các bệnh về khối u và tim mạch. Ngoài ra, ngành Y tế Ninh Thuận luôn quan tâm phong trào hướng về y tế cơ sở và dự phòng tích cực. Công tác phòng chống dịch bệnh: Đã khống chế kiểm soát tốt dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, không để dịch lớn xảy ra. Điển hình đầu năm 2020 đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, các ca bệnh được điều trị khỏi, đến nay không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Lãnh đạo Sở Y tế tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích

Tôi có ấn tượng đẹp qua tham luận của Trung tâm Y tế Thuận Bắc và Trạm Y tế Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn). Khi còn đương chức và về hưu làm quản đốc dự án Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) do Quỹ Dân số Liên Hợp quốc- UNFPA tài trợ luôn trăn trở vì sao người dân ít đến hoặc không đến sinh tại Bệnh viện Thuận Bắc; ít đến khám bệnh tại các Trạm Y tế! Tại Thuận Bắc, nếu có đẻ thường vào Bệnh viện tỉnh hoặc ra Bệnh viện Cam Ranh (Khánh Hòa), vùng dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng đẻ tại nhà do mụ vườn đỡ. Trong khi đó khoa Sản Bệnh viện Thuận Bắc có cơ sở khang trang, có trang thiết bị y tế tương đối đầy đủ. Theo báo cáo của BS. Nguyễn Thị Rỡ, từ khi được giao nhiệm vụ trưởng khoa CSSKSS, chị đã cùng tập thể thầy thuốc trong khoa thực hiện tốt chế độ giao tiếp giữa thầy thuốc với bệnh nhân, đi sâu đi sát trong quản lý thai sản và tư vấn cho phụ nữ có thai; học hỏi, nâng cao chuyên môn, trong đỡ đẻ không để xảy ra tai biến… Đi đôi với chuyên môn, Trung tâm đã tranh thủ nguồn tài trợ, hỗ trợ 10kg gạo/lần sinh/sản phụ đến đẻ tại Trạm Y tế hay tại khoa Sản bệnh viện. Ngoài ra, phụ sản đến sinh tại khoa Sản còn có 2 bữa cơm miễn phí và được thanh toán kinh phí hỗ trợ theo quyết định số 23/2014-QĐ-UBND của UBND tỉnh. “Tiếng lành đồn xa”, ngày càng nhiều phụ nữ đến đẻ tại cơ sở y tế. Đến nay đã đạt 96,4%, đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 100%, công suất giường bệnh 73,4%. Tôi cũng hết sức vui mừng khi biết Trạm Y tế Mỹ Sơn (Ninh Sơn) nay có máy siêu âm, máy đo điện tim, trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế được nâng cao thì người dân đến khám chữa bệnh trung bình mỗi năm có 10.000 lượt bệnh nhân, 40 ca sinh tại trạm; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 83%. Từ thực tế trên khẳng định muốn người dân đến khám chữa bệnh nhiều ở tuyến cơ sở, tăng thêm niềm tin trong nhân dân, giảm tải tuyến trên thì phải đầu tư thỏa đáng, đồng bộ trang thiết bị - bố trí cán bộ chuyên môn có tâm, có tầm- có chính sách phù hợp để thu hút bệnh nhân.…

Từ Đại hội trở về lòng tôi cứ trào dâng nhiều cảm xúc tốt đẹp về phong trào thi đua của Ngành Y tế tỉnh nhà. Cảm nghĩ mến yêu và cảm phục những việc đã làm, đã thực hiện thành công của ngành y tế và của từng cán bộ, y sĩ, bác sĩ với cả một quyết tâm lớn, nỗ lực lớn, thật sự tâm huyết, thật sự yêu ngành, yêu nghề, đầy trách nhiệm với bệnh nhân. Họ là những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận thầm lặng đầy cam go và rủi ro nghề nghiệp, nhạy cảm trong xã hội.