Biến đồi hoang thành vườn trồng cây ăn quả du lịch sinh thái

Bén duyên với vùng đất đồi chỉ toàn sỏi đá, bụi rậm cách đây hơn 30 năm, nhưng với sự sáng tạo, cần cù lao động, ông Lê Tấn Tạo (ảnh) thôn Lâm Bình, xã Lâm Sơn, (Ninh Sơn) đã biến đồi hoang thành vườn trồng cây ăn trái du lịch sinh thái hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao.

Nhớ về những ngày đầu gian khó, ông Tạo kể cho chúng tôi nghe về duyên cớ gắn bó với mảnh đất đồi trồng cây ăn trái. Khoảng năm 1983, hai vợ chồng ông cưới nhau nhưng không có đất sản xuất đã đến vùng đồi Nam Sakai khai hoang mở đất, trước đây vùng đất này còn hoang sơ chủ yếu là sỏi đá, bụi rậm, chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, dùng sức người là chính ông phát quang cây cối, đào sỏi đá để san bằng, cải tạo đất thành từng mảnh nhỏ trồng bắp, đậu kiếm sống qua ngày. Nhiều khi cầm cuốc cả ngày làm tay rớm máu nhưng công cuộc mưu sinh của ông vẫn không ngừng nghỉ, cần mẫn lên đồi khai hoang mở rộng diện tích hơn 3ha, khổ nỗi năng suất thấp nên cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo.

Bước ngoặc đến với ông là năm 1995, quả sầu riêng, bơ khi ăn xong được ông lấy hạt ươm trồng cho trái có giá trị kinh tế cao, để thay thế cây trồng ngắn ngày cho thu nhập bấp bênh, ông lần lượt gặp những người đi trước ở địa phương để học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây ăn trái. Từ số tiền tích cóp được ông đổ hết vào đầu tư trồng sầu riêng, măng cục, chôm chôm, bưởi. Thời gian đầu khi cây chưa khép tán, ông vẫn tiếp tục trồng bắp, đậu xanh xen kẽ để lấy ngắn nuôi dài, dần dần vùng đất được ông chuyển đổi thành khu vườn trồng rất nhiều loại cây ăn trái khác nhau. Hơn 5 năm miệt mài chăm sóc tốt, khu vườn phát triển nhanh, bắt đầu cho quả vụ đầu tiên được giá bán cao, bước đầu gia đình ông cũng có của ăn của để. Nhận thấy thế mạnh của vùng đất thích hợp phát triển trồng cây ăn trái, khu vườn muốn phát triển lâu dài thì không thể trông chờ nước trời, để chủ động nước tưới, ông mạnh dạn đầu tư bắt đường ống nước trên đỉnh núi về phục vụ sản xuất. Khi nguồn kinh tế có giới hạn, không đủ thuê nhân công, một mình ông sáng- chiều cầm cuốc lên rừng đào đất lắp đặt ống dẫn nước, ròng rã hơn 3 năm, đường ống dẫn nước với chiều dài hơn 3km cũng hoàn thành, để duy trì nguồn nước tưới ổn định, ông đào 4 ao tích trữ nước, bởi vậy khi bước vào mùa khô hạn vườn cây ăn trái nhà ông vẫn luôn xanh tốt.

Để "tận mục sở thị" vườn cây ăn trái hơn 3ha trù phú, chúng tôi theo ông lên đồi. Trên cao nhìn xuống, các đường ống nước được ông đấu nối một cách tỉ mỉ chảy róc rách đêm ngày, vườn cây trái được ông phân thành từng khu, cao nhất là vườn điều với diện tích hơn 1ha, 2ha còn lại ở giữa đồi ông trồng xen canh ổi, cam và phía dưới cùng là những hàng cây bưởi, sầu riêng, chôm chôm, măng cục, mít thái... Khi nguồn trái cây sạch được thị trường ưa chuộng, để phát triển bền vững, tạo sự uy tín đối với khách hàng ông đã đăng ký trồng sầu riêng và bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, ngoài việc thu hoạch trái cây bán cho thương lái, ông còn kết hợp làm du lịch sinh thái. Cứ vào mỗi độ khoảng tháng 7, trái cây bắt đầu chín rộ là vườn nhà ông tiếp đón rất đông lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi ngày. Giờ đây, sự vất vả của ông Tạo cũng được đền đáp, khu vườn trồng cây ăn trái của gia đình đã ổn định, mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn trái đem về nguồn thu nhập gần nửa tỷ đồng. Có lẽ đối với ông, chỉ cần có sự quyết tâm, chịu khó thì không có vùng đất nào khó, chỉ cần sức người không ngại khó, bỏ công chinh phục rồi đất cũng không phụ công người.

Ông Trương Công Đàm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Sơn, cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn xã có nhiều mô hình trồng cây ăn trái khá đa dạng, các hộ nông dân luôn sáng tạo trong cách nghĩ cách làm, vừa xây dựng mô hình vườn vừa kết hợp làm du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao, vào mùa trái cây chín thu hút rất đông lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Trong đó, vườn trồng cây ăn trái của ông Lê Tấn Tạo là một điển hình tiêu biểu, ông cũng là một trong những nông dân sản xuất giỏi của địa phương.