Thực hiện đợt cao điểm ngăn chặn việc xuất/nhập cảnh trái phép

Trong bối cảnh nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh COVID-19 từ bên ngoài là rất cao, hành vi tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã và đang là mối nguy hại cho những nỗ lực phòng dịch mà cả nước đã đạt được trong suốt thời gian qua.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công an đã có công điện khẩn về việc thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép, người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo số liệu của Bộ Công an, từ ngày 1-5-2020 đến nay, lực lượng Công an cả nước đã phát hiện, phối hợp đưa hàng nghìn người nhập cảnh (kể cả nhập cảnh trái phép) vào các khu vực cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức điều tra, khởi tố hàng chục vụ, hàng chục bị can về hành vi "Tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép", "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", "Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép".

Điển hình, Công an tỉnh Nghệ An đã điều tra, làm rõ 13 vụ/16 đối tượng, khởi tố 6 vụ/9 bị can về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép"; Công an tỉnh Lạng Sơn riêng trong tháng 7 đã phát hiện, khởi tố 5 vụ/30 bị can về hành vi "Tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép"; Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, khởi tố 2 vụ/09 đối tượng về hành vi "Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép"; Công an thành phố Đà Nẵng đã phát hiện, điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về hành vi "Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép"...

Để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép, theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám Đốc, Hãng Luật TGS- (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) trách nhiệm trước tiên thuộc về các cơ quan ban ngành chức năng. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, sau 99 ngày không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng thì tâm lý chủ quan trong cộng đồng là điều dễ xảy ra và đã xuất hiện tình trạng quản lý lỏng lẻo, chủ quan, dễ dãi ở một số ngành, địa phương. Các đối tượng vì lợi ích cá nhân đã thông đồng, cấu kết với nhau để tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Theo đó, căn cứ theo Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị phạt hành chính từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Nếu là người nước ngoài thì tùy theo mức độ có thể sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Bên cạnh xử phạt hành chính, hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể là theo Điều 348 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức phạt từ 01 năm đến 15 năm tù tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp trong quá trình điều tra nếu phát hiện có hành vi của cán bộ có quyền hạn trong việc giám sát khu vực biên giới nhận hối lộ để tiếp tay cho hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép thì người thực hiện hành vi có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Thực hiện đợt cao điểm ngăn chặn việc xuất/nhập cảnh trái phép

Nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, ngày 26-7, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng ra lệnh kích hoạt lại toàn bộ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trong bộ đội biên phòng ở tất cả các đơn vị theo tinh thần của chỉ thị 19 của Thủ tướng chính phủ. Trọng điểm là ở khu vực đường mòn, lối mở có nhiều người xuất nhập cảnh trái phép hay vùng có nguy cơ cao. Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cũng quyết định thành lập 8 đoàn kiểm tra ngay việc duy trì các tổ chốt chặn trên biên giới, trước 6h sáng 27-7 đã xuất phát đi các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Lào Cai, An Giang, Tây Ninh.

Nâng cao cảnh giác, đề cao hơn nữa trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước, kiên quyết không để xảy ra tình trạng có người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong thời gian tới cũng là một trong các nội dung thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ138) và Ban Chỉ đạo quốc gia, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của 2 Ban chỉ đạo này vừa diễn ra trong tuần qua

Chiều 27-7, Bộ Công an cũng đã ra Công điện yêu cầu toàn ngành thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép, người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu các Cục nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, kịp thời trao đổi với Công an các đơn vị, địa phương phát hiện, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa các hành vi nhằm đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh cử các Tổ công tác trực tiếp phối hợp, hướng dẫn Công an các địa phương nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép; hướng dẫn Công an các địa phương tăng cường quản lý lưu trú của người nước ngoài trên địa bàn, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý theo đúng quy định của pháp luật và quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép lưu trú tại địa phương.

Bộ Công an yêu cầu Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục An ninh điều tra trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp, hướng dẫn Công an các địa phương điều tra làm rõ các đường dây đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, kịp thời truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức liên quan; phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án cùng cấp đưa các vụ án thực hiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kịp thời truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe vi phạm.

Công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, nhất là các dấu hiệu liên quan xuất, nhập cảnh trái phép, đi đôi với xử lý kịp thời tin báo, tố giác của người dân có liên quan để phối hợp đấu tranh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; Tiếp tục hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin với Công an địa phương các nước bạn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, đảm bảo anh ninh trật tự trên tuyến biên giới, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Theo TTXVN