Khai thác thế mạnh phát triển năng lượng tái tạo

Với chủ trương đúng đắn cùng sự nỗ lực thực hiện các dự án, Ninh Thuận đang dần hình thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước với tổng công suất phát điện lên lưới 1.862 MW và nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành trong thời gian tới.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện

Để được hưởng các chính sách ưu đãi về giá điện theo chủ trương của Chính phủ. Hiện nay đã có nhiều dự án năng lượng tái tạo đang đẩy nhanh tiến độ, kịp đấu nối lưới điện. Cụ thể về điện mặt trời, đã có 34 dự án được cấp quyết định đầu tư, đến nay đã có 23 dự án đưa vào vận hành thương mại, với tổng công suất khoảng 1.403 MW. Dự kiến đến cuối năm 2020, tiếp tục có 8 dự án đưa vào vận hành, với tổng công suất 720MW, nâng tổng dự án đưa vào vận hành thương mại lên 31 dự án, với tổng công suất 2.123 KW, tổng sản lượng điện ước đạt 2.557 triệu KWh. Về dự án điện gió, đã có 13 dự án được cấp chủ trương đầu tư, đến nay đã có 3 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 181 MW; dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có thêm một dự án đi vào hoạt động, nâng tổng quy mô công suất đưa vào vận hành thương mại lên 229 MW, tổng sản lượng điện ước đạt 467 triệu KWh.

Với sự đầu tư mạnh mẽ, nhiều dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành đưa vào vận hành hiệu quả. Ảnh: A.Tuấn

Bên cạnh đó, các dự án năng lượng khác cũng đang trong quá trình đầu tư, như: Thủy điện tích năng Bác Ái với 4 tổ máy, công suất 1.200 MW đã khởi công giai đoạn 1 từ đầu năm 2020, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Dự án Điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành năm 2025-2026.

Cùng với việc đẩy nhanh đầu tư các dự án điện, công tác xây dựng hạ tầng lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất cũng được các nhà đầu tư chú trọng đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay các trạm biến áp 220KV Tháp Chàm 2 và Trạm biến áp 220KV Ninh Phước đã hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành, vượt tiến độ đề ra. Trạm biến áp 220KV Phước Thái và đường dây 220KV với khả năng giải tỏa công suất khoảng 1.625-4.240 MW cũng đang triển khai thi công. Đặc biệt Trạm biến áp 500 KV Thuận Nam và đường dây 500KV được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, dự kiến vận hành trong tháng 9-2020 và các tuyến đường dây đấu nối, với khả năng giải tỏa công suất các trạm biến áp khoảng 1.800-24.500MW, sẽ đáp ứng nhu cầu giải tỏa hết công suất các dự án điện trên địa bàn tỉnh.

Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Theo đánh giá của các ngành chức năng, việc triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Về quy hoạch sử dụng đất, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận bổ sung quy hoạch đáp ứng yêu cầu lưới điện, năng lực, tính chất đất đai. Thế nhưng, việc quy hoạch sử dụng đất của tỉnh chỉ dự kiến quy mô phát triển, dự kiến về nhu cầu sử dụng đất nên dẫn đến trường hợp các dự án phải điều chỉnh quy mô, diện tích, vị trí. Về lưới điện truyền tải, do quy hoạch điện lực tỉnh (chủ yếu là lưới điện) không gắn với định hướng phát triển nguồn đã dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ giữa bổ sung quy hoạch nguồn và quy hoạch lưới.

TrungNam Group đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng truyền tải điện trên địa bàn huyện Thuận Nam. Ảnh: P.Bình

Vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi đất rừng cũng là một “rào cản” trong việc phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh do trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi đất rừng còn phức tạp, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, nhất là dự án thủy điện tích năng Bác Ái và các công trình lưới điện truyền tải đi qua nhiều địa phương. Trong phát triển điện mặt trời áp mái, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư nhằm đảm bảo tuân thủ theo tiêu chí điện mặt trời mái nhà và các yêu cầu về an toàn công trình xây dựng, cũng như môi trường phòng chống cháy nổ theo quy định để tránh tình trạng lợi dụng chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, về chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, UBND tỉnh đã kiến nghị với các bộ, ngành trung ương xem xét, xác định cụ thể chủ trương xây dựng Trung tâm năng lượng trong quy hoạch điện VIII. Nghiên cứu, tính toán đấu nối đồng bộ với các dự án nguồn để giải tỏa hết công suất trong quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo điều kiện thực hiện phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, làm cơ sở pháp lý kêu gọi đầu tư trong giai đoạn tới.

Tỉnh cũng kiến nghị chuyển các nguồn năng lượng đã được phê duyệt trong quy hoạch điện VII điều chỉnh và Quy hoạch điện lực tỉnh chưa thực hiện, tiếp tục thực hiện trong quy hoạch điện VIII, trong đó cho chuyển quy hoạch nguồn điện hạt nhân có công suất 4.600 MW sang quy hoạch điện khí LNG, nâng tổng công suất nguồn điện khí giai đoạn 2025-2030 lên 6.100MW, nhằm khai thác hiệu quả, tiềm năng cảng nước sâu LNG Cà Ná; đồng thời đề xuất bổ sung thêm mới các nguồn năng lượng và quy hoạch điện VIII như: điện gió trên biển phát triển giai đoạn đến năm 2030, với tổng công suất 3.240 MW và điện mặt trời tổng công suất 7.852 MW.