Huy động nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là ưu tiên hàng đầu của tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, sự chung tay góp sức của cộng đồng, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan, giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững được tập trung chỉ đạo, đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án gắn với giảm nghèo bền vững. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tạo được sự lan tỏa, đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các mô hình sinh kế, dự án sản xuất, chương trình 135, 30a, qua đó thúc đẩy hộ nghèo (HN), hộ cận nghèo (HCN), hộ mới thoát nghèo tham gia phát triển kinh tế theo hình thức kinh tế tập thể (tổ nhóm, hợp tác xã) gắn kết cộng đồng, phát huy nội lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo HN, HCN, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Người dân Bác Ái được vay vốn chính sách để sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trong giai đoạn 2016-2020, có 68.836 lượt HN tham gia vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 312,4 tỷ đồng. Công tác đào tạo, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, trong 5 năm giải quyết việc làm mới cho 82.913 lao động, bình quân mỗi năm trên 16,5 nghìn lao động, vượt mục tiêu Nghị quyết và tăng 4,71% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó lao động đi làm việc nước ngoài đạt khá (812 lao động đi làm việc nước ngoài). Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh được phát động triển khai sâu rộng, thực hiện có hiệu quả, công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo được quan tâm thực hiện. Trong giai đoạn 2016-2020 đã cấp 130.483 thẻ BHYT cho người nghèo với kinh phí hơn 90,2 tỷ đồng; cấp 172.718 thẻ BHYT cho HCN với tổng kinh phí hơn 107,9 tỷ đồng. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động, tiếp nhận hơn 61,6 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa 1.021 nhà Đại đoàn kết cho HN với số tiền trên 30,7 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 976 nhà theo các Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg với số tiền trên 4,8 tỷ đồng... Nhờ thực hiện đồng loạt các giải pháp, chính sách hỗ trợ trên đã góp phần giảm tỷ lệ HN năm 2016 từ 12,54% xuống còn 5,74% năm 2020, bình quân giảm 1,84%/năm, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết và kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đề ra.

Năm 2020, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ HN đạt từ 1-1,5%, riêng huyện nghèo Bác Ái giảm từ 4% trở lên; phấn đấu không còn HN có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công. Để được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể của từng địa phương, cơ sở, với nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ HN, HCN, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng tập trung, tránh manh mún, dàn trải, hiệu quả thấp; lựa chọn nội dung và hình thức triển khai phù hợp với nhu cầu, khả năng của người nghèo, gắn với đầu ra của sản phẩm, ưu tiên những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là người dân ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, xã đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhất là các nước có mức thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...; vận động người dân tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có giải pháp quyết liệt bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể để giảm nghèo đối với HN thuộc gia đình người có công với cách mạng, phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Cùng với đó, các huyện, thành phố nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo, vị trí, vai trò của người dân đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; đồng thời khuyến khích và vận động người dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo.