Gấp rút cuộc đua điều chế vắc-xin chặn COVID-19

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng và vẫn chưa bị khống chế trên toàn cầu đồng nghĩa với việc cuộc chạy đua điều chế vắc-xin phòng chống COVID-19 càng trở nên gấp rút hơn bao giờ hết.

Chạy đua điều chế

Cuộc chạy đua điều chế vắc-xin nhằm chặn đứng đại dịch COVID-19 trên thế giới hiện đã đạt được nhiều bước tiến khả quan. Hiện có hơn 150 loại vắc-xin tiềm năng đang được phát triển và thử nghiệm, trong đó hàng chục vắc-xin được thử nghiệm lâm sàng ở người.

Vắc-xin thử nghiệm AZD1222 do tập đoàn AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) phối hợp bào chế cho kết quả an toàn và tạo ra kháng thể ở người trong giai đoạn đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng. AZD1222 không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, tạo ra kháng thể mạnh và các phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần tiến hành nghiên cứu thêm trước khi có thể xác nhận vắc-xin này bảo vệ hiệu quả và lâu dài trước virus SARS-CoV-2. AZD1222 có thể sẽ có mặt trên toàn cầu vào cuối năm nay nếu kết quả thử nghiệm giai đoạn ba cho kết quả tốt vào mùa Thu này.

Vắc-xin Ad5-nCOV do công ty sản xuất vắc-xin CanSino Biologics và đơn vị nghiên cứu thuộc quân đội Trung Quốc hợp tác bào chế cũng chứng tỏ an toàn và tạo ra kháng thể ở đa số những người được tiêm một mũi. Tín hiệu tích cực này sẽ thúc đẩy các nhà nghiên cứu triển khai giai đoạn cuối cuộc thử nghiệm vắc-xin ở quy mô rộng. CoronaVac là một loại vắc-xin phòng chống COVID-19 cũng do Trung Quốc điều chế, đang được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, tức là tiến hành thử nghiệm ở người trên quy mô lớn. Đây là bước cuối cùng trước khi vắc-xin này được cấp phép đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, vắc-xin BNT162 - sản phẩm của công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức và công ty dược phẩm lớn Pfizer của Mỹ - đã chứng tỏ hiệu quả an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch ở người trong giai đoạn đầu thử nghiệm. Pfizer và BioNTech hy vọng đến cuối năm 2020 có thể sản xuất 100 triệu liều trên toàn cầu và có thể hơn 1,3 tỷ liều đến cuối năm 2021.

Công ty sinh học Moderna của Mỹ hồi giữa tháng 7 cũng thông báo kế hoạch cuối tháng 7 tới sẽ tiến hành giai đoạn ba và cũng là giai đoạn cuối cùng thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 do công ty này phát triển. Moderna được xem là đang dẫn đầu trong cuộc đua trên toàn cầu nhằm phát triển vắc-xin phòng COVID-19.

Về phía Nga, các nhà khoa học nước này thông báo đã hoàn tất công tác thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phòng COVID-19. Các thành phần vắc-xin được đánh giá là an toàn và được con người dung nạp tốt. Dự kiến, vắc-xin này có thể được đưa ra thị trường vào giữa tháng 8 tới.

Là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nền của đại dịch COVID-19, Ấn Độ cũng không nằm ngoài cuộc chạy đua điều chế vắc-xin phòng chống dịch bệnh này. Vắc-xin COVAXIN - là sản phẩm hợp tác giữa công ty công nghệ sinh học Bharat Biotech và Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) - đã bắt đầu được đưa vào thử nghiệm.

Mạnh tay chi tiền

Đứng đầu thế giới về cả số ca mắc và ca tử vong do COVID-19, chính phủ Mỹ đã mạnh tay đổ tiền tỷ để phát triển và mua các loại vắc-xin tiềm năng nhằm chặn đứng đà lây lan chóng mặt của COVID-19. Washington mới đây đã nhất trí trả 1,95 tỷ USD để đảm bảo được mua 100 triệu liều vắc-xin có khả năng phòng virus SARS-CoV-2, do Pfizer phối hợp với BioNTech bào chế. Thỏa thuận giữa hai bên cũng cho phép chính phủ Mỹ "mua thêm 500 triệu liều" khác. 

Anh cũng không hề kém cạnh khi chính phủ nước này đã ký các thỏa thuận để mua 90 triệu liều vaccine tiềm năng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ các công ty của Mỹ, Đức và Pháp. Cụ thể là, Anh đã đặt mua 30 triệu liều vắc-xin đang được Pfizer và BioNTech đồng thử nghiệm, và mua 60 triệu liều theo thỏa thuận về nguyên tắc do công ty Valneva của Pháp sản xuất, nếu vắc-xin này được chứng minh là an toàn, hiệu quả và phù hợp. Do hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng COVID-19 hiệu quả, Anh đã đặt mua ba loại vaccine tiềm năng khác nhau, với số lượng có thể lên tới tổng cộng 230 triệu liều.

Không chỉ cá nhân các quốc gia mà cũng tổ chức lớn cũng tích cực thúc đẩy quá trình bào chế vắc-xin ngừa COVID-19. Liên minh Đổi mới Phòng chống Dịch bệnh (CEPI) hiện đang bảo trợ phát triển 9 loại vắc-xin tiềm năng với mục tiêu tối thiểu là sản xuất khoảng 2 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm 2021. CEPI có trụ sở tại Na Uy, nhận được sự ủng hộ của 14 chính phủ và Quỹ "Bill & Melinda Gates". Tới nay, CEPI đã chi khoảng 829 triệu USD cho nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19 phối hợp với khoảng 9 nhà phát triển và kỳ vọng ít nhất 1 loại vắc-xin sẽ hiệu quả.

Trong khi đó, Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) cho biết hơn 75 nước trên thế giới đã bày tỏ sự quan tâm muốn tham gia chương trình tài trợ COVAX nhằm đảm bảo việc tiếp cận nhanh và bình đẳng trên toàn cầu đối với vắc-xin phòng COVID-19. 75 nước này sẽ lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước để tài trợ cho chương trình COVAX, đồng thời phối hợp với 90 nước nghèo hơn được nhận hỗ trợ thông qua các khoản tài trợ tình nguyện của GAVI. Như vậy, đến nay có tới 165 nước, chiếm hơn 60% dân số thế giới, nỗ lực nhằm đảm bảo cho việc tiếp cận bình đẳng vắc-xin trên toàn cầu. Hồi tháng 6 vừa qua, GAVI thông báo đã quyên được 567 triệu USD từ các nhà tài trợ quốc tế hướng tới mục tiêu ban đầu là quyên góp 2 tỷ USD mua vắc-xin ngừa COVID-19. Mục tiêu của chương trình COVAX là phân phối 2 triệu liều vắc-xin hoạt động hiệu quả và được cấp phép sử dụng vào cuối năm 2021.

Theo TTXVN