Người thương binh nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình

Sau khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia trở về với đôi chân không còn lành lặn, nhưng bằng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, thương binh loại 2/4, ông Mai Văn Trái (ảnh), thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) vẫn quyết tâm vượt khó, tự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Theo lời giới thiệu của Hội Cựu chiến binh xã, chúng tôi tìm đến thăm nhà thương binh Mai Văn Trái. Tiếp chúng tôi trong căn nhà được vợ chồng ông tích cóp tu sửa hằng năm đến nay đã khang trang, ông Trái cho biết, năm 1982, ông nhập ngũ làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Đến năm 1985 tham gia một trận đánh rồi bị thương nặng, mất đi chân trái và cũng trong năm đó ông được xuất ngũ về lại quê hương.

Trở về cuộc sống đời thường, mang thương tật trên người đi lại khó khăn, vết thương đau nhức những lúc trái gió trở trời, nhưng với phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ” và tinh thần tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, ông bắt tay vào việc cấy cày trên mảnh đất quê hương. Năm 1988, vợ chồng ông lên vùng đất thôn Lương Cang khai hoang 2 sào đất sản xuất, ông lên kế hoạch một sào trồng lúa, một sào trồng rau quả, dưa leo, bầu, bí... bán ngoài chợ lấy ngắn nuôi dài kiếm sống qua ngày. Những ngày đầu bắt tay vào làm kinh tế, khi sức lao động có giới hạn, đi lại khó khăn và chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trồng trọt nên năng suất đạt không đáng là bao. Vất vả là thế, thay vì nản chí, ông không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh. Tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt do các cấp hội địa phương tổ chức nhằm nâng cao kiến thức cho bản thân. Nhiều năm cần mẫn lao động, chăm sóc cây trồng kỹ, hoa màu bớt được sâu bệnh hại cho năng suất cao, có được nguồn thu nhập vợ chồng ông cố gắng tằn tiện tích lũy vốn, đầu tư mua được cặp bò cái sinh sản. Nhờ nắm vững kiến thức chăn nuôi, từ 2 con bò cái ban đầu, sau nhiều năm ông đã phát triển đàn ổn định 15 con. Từ đây, lợi nhuận chăn nuôi giúp ông có nguồn vốn lớn mua thêm 2 sào đất liền kề trồng bắp, có điều kiện nuôi con ăn học, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà và vươn lên thoát nghèo.

Theo thời gian, do sức khỏe hạn chế, ông bán bớt bò chỉ để lại 3 con cái duy trì nuôi theo hình thức sinh sản, mỗi năm từ việc bán bò con ông thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm. Cùng với sự siêng năng, chịu khó, khi có nhiều thời gian rảnh, vợ chồng ông mở quán nhỏ bán bánh xèo, từ khoảng 3 giờ chiều ông tất bật buôn bán tới 9 giờ đêm, mỗi ngày thu nhập hơn 300 ngàn đồng. Ông Trái chia sẻ: Dù mang thương tật trên người nhưng không là gì cả so với tổn thất, đau thương của đồng đội, nên có khó khăn, trở ngại, tôi luôn động viên mình phải biết cố gắng vươn lên mới có được cuộc sống ổn định như hôm nay.

Bằng sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, từ hai bàn tay trắng, người thương bình hiện nay đã có cuộc sống đủ đầy. Có lẽ điều đáng quý ở ông Trái là dù thương binh, nhưng ông không trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi của Nhà nước mà từng bước tự thân mình vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Ông Hồ Sỹ Dương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, nhận xét: Mặc dù sức khỏe hạn chế, nhưng thương binh Mai Văn Trái luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Đồng thời, ông còn nhiệt tình tham gia các phong trào của Hội, được biểu dương là người có công với cách mạng tiêu biểu của địa phương. Ông là tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.