Ngành Công nghiệp Tạo động lực tăng trưởng mới

Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020, ngành Công nghiệp nội tỉnh, cũng như cả nước gặp nhiều khó khăn do chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19; nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, kết thúc 6 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành Công nghiệp đạt hơn 4.381 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ 2019.

Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong bức tranh tăng trưởng của ngành CN, đáng chú ý là sản xuất điện giá trị sản xuất đạt hơn 1.439 tỷ đồng, chỉ số tăng tới 168,8%, đóng góp tăng 51,33 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó điện gió, điện mặt trời sản lượng 6 tháng đạt 1.421,7 triệu kWh tăng hơn 529% so cùng kỳ). Tiếp đến là ngành khai khoáng đạt trên 216 tỷ đồng, tăng 35,5%, chủ yếu do ngành khai thác muối biển tăng 2,2 lần so cùng kỳ năm trước, đóng góp tăng 5,49 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 119,4 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ. Riêng ngành CN chế biến, chế tạo dù chiếm tỷ trọng tới 59,32% trong cơ cấu giá trị tăng thêm toàn ngành, nhưng trong 6 tháng năng lực mới tăng thêm không có, mặt khác do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên giá trị sản xuất chỉ đạt trên 2.605 tỷ đồng (giảm 9,4% so cùng kỳ), tác động giảm 4,85 điểm phần trăm chỉ số toàn ngành CN.

Công ty TNHH Thông Thuận chi nhánh Ninh Thuận sản xuất tôm xuất khẩu. Ảnh: V. Miên

Về tình hình thu hút đầu tư, trong 6 tháng, Sở Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút được 10 dự án với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Trong đó, có 7 dự án đầu tư vào các khu, cụm CN, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 142 tỷ đồng và 3 dự án năng lượng tái tạo, với tổng vốn đầu tư khoảng 13.846 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành còn phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu hình thức lựa chọn nhà đầu tư các dự án nhà máy điện khí thuộc Trung tâm điện khí LNG Cà Ná, nhằm đảm bảo việc thực hiện dự án đáp ứng đầy đủ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 31-1-2020 sửa đổi một số nội dung Quyết định số 1664/QĐ-UBND ngày 27-7-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Cụm CN Tháp Chàm. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm CN Tháp Chàm và quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cụm CN theo quy định.

Đối với tiến độ triển khai dự án, đến cuối tháng 6 có 8 dự án điện mặt trời, gồm: Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar công suất 40MW; điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc - Giai đoạn 1 công suất 125MW và Giai đoạn 2 công suất 75MW; Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn công suất 20MW, Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải công suất 28MW; điện mặt trời Mỹ Sơn 2 giai đoạn 2 công suất 40MW; điện mặt trời Phước Ninh công suất 36MW; điện mặt trời Mỹ Sơn công suất 50MW đã hoàn thành, tổng công suất đưa vào vận hành 414 MW. Đặc biệt, để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, trong 6 tháng ngành Công Thương còn theo dõi, phối hợp tháo gỡ kịp thời khó khăn các công trình do Tổng Công ty tuyền tải điện quốc gia và Tổng Công ty điện lực miền Nam đầu tư đưa vào vận hành trong năm 2020 như: Trạm biến áp 220kV Ninh Phước và đường dây đấu nối; Đường dây 220kV Nha Trang-Tháp Chàm... Các công trình, dự án này khi đi vào hoạt động không chỉ tạo thêm nguồn thu mới cho ngân sách mà còn là đòn bẩy cho sự tăng trưởng chung của ngành CN thời gian tới rất lớn.

Theo kế hoạch, trong năm 2020 tỉnh ta phấn đấu đưa giá trị sản xuất ngành CN đạt khoảng 8.300 tỷ đồng, tăng 15-16% so với cùng kỳ năm 2019. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Công Thương tiếp tục bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự chỉ đạo của Bộ Công Thương chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, vận động DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để phát huy hiệu quả năng lực các sản phẩm hiện có. Phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN năng lượng tái tạo với các nhiệm vụ chủ yếu: Tập trung tham mưu phát triển CN vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh (phối hợp hoàn thiện hồ sơ Chủ trương đầu tư và triển khai đầu tư Khu CN Cà Ná gắn xây dựng cảng biển; hình thành dự án điện khí trong Cà Ná và tổng kho LNG); tham mưu trình phê duyệt Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.

Dự án Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: V.Nỷ

Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án đầu tư trọng điểm triển khai hoàn thành đúng tiến độ, nhất là dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam 450MW và Trạm biến áp TBA 220/500kV Trung Nam-Thuận Nam và tham mưu phương án đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện 110KV, 220KV để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Tổ chức khảo sát nắm bắt, theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển các dự án CN, dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện đúng tiến độ. Tham mưu UBND tỉnh ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện khí LNG Cà Ná. Tiếp tục thực hiện phương châm đồng hành cùng DN, để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất của DN đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án... Phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu tăng trưởng CN, góp phần cùng các ngành, địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà UBND tỉnh đã đề ra từ đầu năm.