Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Trong điều kiện khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có vai trò như “phao cứu sinh” vực dậy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên để kỳ vọng này thực sự đạt như mong muốn, cần sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ hơn của chủ đầu tư và các ngành, địa phương liên quan.

Nhiều dự án giải ngân chậm

Trong năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh được giao trên 2.600 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ chi tiết trên 2.140 tỷ đồng cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Đến ngày 21-6, toàn tỉnh đã giải ngân được 365,280 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch vốn đã phân bổ, đạt mức thấp so với trung bình của cả nước là 27,9%. Đáng lưu ý là nguồn vốn nước ngoài năm 2020 được giao với mức cao gần 800 tỷ đồng đồng chiếm 40,7% tổng vốn của toàn tỉnh, nhưng kết quả giải ngân đạt rất thấp, mới chỉ giải ngân được 2,85 tỷ đồng, đạt 0,4% kế hoạch.

Dự án hồ Sông Than (Ninh Sơn) đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo quy định thì các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, để được giải ngân hàng năm chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết gửi Bộ Tài chính và đơn vị tài trợ xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào trong số dự án của tỉnh được phê duyệt kế hoạch giải ngân, do đó tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Bên cạnh đó, công tác các đền bù, giải phóng mặt bằng một số trường hợp còn vướng chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo quy định. Theo đó, một số dự án được giao vốn kế hoạch khá lớn như Hồ chứa nước Kiền Kiền, Hồ Sông Than, đường giao thông liên xã Phước Đại đi Phước Tân nhưng giải ngân đạt thấp. Các dự án trồng rừng được giao vốn từ đầu năm, nhưng do tính chất thời vụ, đầu quý IV mới khi triển khai trồng rừng, nên chưa giải ngân. Ngoài ra, các dự án khởi công mới, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, các địa phương chậm hoàn tất thủ tục đầu tư để được giao vốn chi tiết; một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt việc bố trí thanh toán công trình hoàn thành. Một số công trình dự án chưa được giải ngân, chủ đầu tư thiếu quan tâm đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ; năng lực, trách nhiệm một số chủ đầu tư còn hạn chế.

Cần quyết tâm và trách nhiệm của chủ đầu tư

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ vào các đơn vị liên quan, các chủ đầu tư các dự án tập trung đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đối với các dự án đã lựa chọn được nhà thầu thi công, các dự án khởi công mới nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu các địa phương khẩn trương phê duyệt dự án để đáp ứng điều kiện giao kế hoạch vốn. Đối với các dự án đã giao kế hoạch vốn, khẩn trương khởi công xây dựng, đảm bảo đến ngày 30-9-2020 giải ngân ít nhất 60% trở lên.

Công trình đập dâng Sông Dinh đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục giải ngân vốn.

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư có công trình hoàn thành, công trình chuyển tiếp khẩn trương hoàn tất thủ tục để giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí và giải ngân theo tiến độ đối với các dự án chuyển tiếp. Nắm bắt cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng của từng dự án để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, hiệu quả, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ và giải ngân nguồn vốn. Chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, các dự án quy mô lớn, giải ngân đạt thấp như: Dự án môi trường bền vững - Tiểu dự án Tp. Phan Rang Tháp Chàm; dự án Mở rộng quy mô nước sạch nông thôn; dự án hồ chứa nước Kiền Kiền, dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh Miền Trung - Tiểu dự án tại Ninh Thuận; dự án cơ sở hạ tầng Vĩnh Hy… Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện và cam kết tiến độ giải ngân đối với từng dự án cụ thể, nhất là các dự án trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác đấu thầu, đảm bảo các điều kiện khởi công mới các dự án được giao kế hoạch vốn đầu năm 2020. Trường hợp không giải ngân kịp thời tiến hành điều chuyển kế hoạch vốn để bổ sung cho các dự án có nhu cầu, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, chủ đầu tư dự án theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

----------

Ông Nguyễn Văn Nhựt, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng Nhân dân tỉnh: Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch trung hạn 5 năm nên nếu không giải ngân kịp thời, Chính phủ sẽ chuyển vốn cho địa phương khác, như vậy chúng ta sẽ bị hụt vốn. Khi cần bổ sung vốn phải làm lại thủ tục từ đầu và chờ bố trí sẽ rất khó khăn. Do đó các đơn vị, địa phương cần phải rà soát và sớm hoàn thiện thủ tục thanh toán đối với các công trình đã hoàn thành. Đối với các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia mà tỉnh đã giao vốn, các địa phương cũng cần hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt bố trí kế hoạch vốn chi tiết để sớm triển khai thực hiện công trình, dự án. Đối với dự án vốn nước ngoài các sở, ngành và chủ đầu tư cần phải tăng cường phối hợp để hoàn thiện thủ tục theo quy định, sớm đưa nguồn vốn ODA về cho tỉnh để thực hiện các công trình dự án theo kế hoạch.

Ông Đỗ Khoa Danh, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước: Ban quản lý đang triển khai các dự án sử dụng vốn nước ngoài, nhưng do vướng về mặt bằng và thủ tục nên công tác giải ngân triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Hiện nay các dự án đã giải ngân đạt 8% và Ban quản lý đang làm từng bước chắc chắn theo hướng dẫn của nhà tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Ban cũng đang kiến nghị các cấp ngành liên quan hỗ trợ trong việc thúc đẩy giải phóng mặt bằng dự án nhất là dự án vệ sinh môi trường vì còn vướng các hộ dân chưa có chỗ ở tái định cư nên chưa thể bàn giao mặt bằng thực hiện dự án. Đồng thời cần có giải pháp rút ngăn thời gian thẩm định phê duyệt hồ sơ, định kỳ tổ chức họp bàn phương án tháo gỡ vướng mắc để phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân được nhiều hơn lượng vốn phân bổ vào cuối năm nay.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện nay ban quản lý đã cho triển khai thực hiện 14/21 tuyến các dự án từ vốn trái phiếu của Chính phủ, tiến độ thực hiện dự án cơ bản được đẩy nhanh do có sự phối hợp của các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, có một số hộ có có tranh chấp, khiếu kiện nên chưa nhận tiền đền bù ban giao đất cho dự án. Một số dự án do còn vướng công tác chuyển đổi đất rừng, đang chờ ý kiến của các bộ, ngành trung ương và một số dự án đang tổ chức đấu thầu, thi công xây lắp trong quý VI năm 2020. Trong tổng nguồn vốn giao năm 2020 là 50 tỷ đồng để thực hiện 14 dự án này, đến nay đã giải ngân đạt 30%. Đối với phần việc còn lại đã có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu hoàn thành việc giải ngân vào cuối năm 2020.