Kỳ họp thứ mười bốn HĐND tỉnh khóa X thảo luận tại hội trường

Sáng 15-7, Kỳ họp thứ mười bốn, HĐND tỉnh khóa X tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận tại Hội trường về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa phiên làm việc. Tham dự có các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Hữu Đức, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh.

Trong không khí dân chủ, cởi mở, các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận sâu vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh 6 tháng cuối năm; đề đạc giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2020; đồng thời nêu lên những vấn đề quan tâm như: giải quyết việc làm cho người lao động; chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công; giải pháp phục hồi hoạt động du lịch sau đại dịch COVID-19…

Đại biểu Nguyễn Văn Nhựt, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh thảo luận tại Hội trường. Ảnh: P.Bình

Đơn cử có đại biểu Nguyễn Văn Nhựt, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh quan tâm tình hình giải ngân các công trình, dự án đầu tư công của tỉnh; nhiều công trình tiến độ còn chậm, ì ạch trong khâu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bồi thường thu hồi đất, giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chung. Các chính sách giảm thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có khả năng tác động đến giảm thu ngân sách địa phương cuối năm. Do đó, năm 2020 là năm cuối của kế hoạch trung hạn đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách đạt chỉ tiêu đề ra; tập trung công tác hoàn thuế, giải quyết nợ động thuế theo quy định; công tác chi ngân sách cần tiếp tục cắt giảm 10% chi thường xuyên. Một số khoản bố trí ngay đầu năm chưa phân bổ thì cần giữ lại để bù thu do hụt thu ngân sách năm nay.

Đại biểu Thái Văn Lai, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần rà soát, bổ sung kịch bản tăng trưởng cuối năm phù hợp tình hình thực tế của địa phương sau đại dịch COVID-19 để đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2020. Cần có các giải pháp căn cơ để kích cầu, phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp; đồng thời cần có chiến lược lâu dài, lựa chọn những địa điểm vừa có thể bảo tồn các giá trị văn hóa vừa phát triển, giới thiệu du lịch Ninh Thuận đầy đủ hơn đến với du khách trong và ngoài nước. Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với các nhà đầu tư có năng lực nhanh chóng triển khai các dự án du lịch còn tiến độ trên địa bàn tỉnh. Đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ thêm nguyên nhân tại sao chưa thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp để tăng thêm năng lực, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần có giải pháp tích cực hỗ trợ, tạo việc làm cho sinh viên mới ra trường; rà soát, đánh giá lại mức độ sẵn sàng của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để làm tốt vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai…

Đại biểu Bá Bình Yên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị UBND tỉnh làm rõ một số nội dung còn tồn tại như: một số địa phương chỉ đạo sản xuất nông nghiệp chưa phù hợp, ngoài lịch thời vụ gây ảnh hưởng đến năng suất sản xuất; các mô hình sản xuất hiệu quả chưa thực sự được nhân rộng; tình trạng xây dựng trái phép vẫn còn diễn ra; còn xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước, thương tích ở trẻ em. Các ngành chức năng cần có giải pháp quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, trật tự xã hội trong 6 tháng cuối năm 2020, nhất là các loại tội phạm ma túy, kéo giảm tình hình tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Đại biểu cũng đề nghị Sở Giao thông - Vận tải cần xem xét, kiến nghị lắp đặt hệ thống đèn giao thông tại điểm giao quốc lộ 1A vào UBND xã Cà Ná và các điểm giao nhau giữa quốc lộ 1A và các đường vào khu dân cư trên địa bàn xã Phước Minh, huyện Thuận Nam.

Đại biểu Tô Ngọc Phương, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương có giải pháp quản lý, giáo dục, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng cai nghiện thành công, hòa nhập tốt với cộng đồng, tránh tình trạng tái nghiện.

Sau khi các đại biểu nêu chất vấn tại hội trường, thay mặt chủ tọa kỳ họp, đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thông tin đến kỳ họp những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu trong phiên thảo luận tổ chiều qua để đại diện các sở, ngành liên quan chuẩn bị nội dung giải trình, làm rõ thêm ngay tại phiên thảo luận này.

Mở đầu phần giải trình, làm rõ của các sở, ngành; đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu liên quan đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm; dự báo tình hình, hướng điều chỉnh “kịch bản” tăng trưởng của tỉnh 6 tháng cuối năm và nhấn mạnh đến giải pháp của ngành. Trọng tâm là đôn đốc, tháo gỡ hoặc kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ và giải ngân đối với các dự án đã lựa chọn được nhà thầu thi công; đối với các dự án khởi công mới nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu các địa phương khẩn trương phê duyệt dự án để đáp ứng điều kiện giao kế hoạch vốn; đối với dự án đã được giao kế hoạch vốn khẩn trương khởi công xây dựng đảm bảo đến ngày 30-9-2020 giải ngân ít nhất 60% trở lên. Đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất thủ tục để giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí cho công trình hoàn thành và giải ngân theo tiến độ các dự án chuyển tiếp. Rà soát, nắm bắt cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nhất là về đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm hoặc các dự án quy mô lớn, giải ngân đạt thấp; đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác đấu thầu, đảm bảo các điều kiện khởi công mới các dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2020. Bên cạnh đó là tập trung rà soát tiến độ giải ngân từng dự án, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo điều chuyển kế hoạch vốn đối với các dự án dự kiến đến cuối tháng 9 giải ngân dưới 60% KH để bổ sung vốn cho các dự án có nhu cầu.

Đồng chí Hồ Sỹ Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến việc 31 dự án du lịch chưa triển khai hoặc triển khai chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do vướng mắc trong việc công tác giải phóng mặt và bằng chuyển đổi diện tích đất rừng để thực hiện dự án, hệ thống cấp nước trên các tuyến, các điểm du lịch chưa đảm bảo đến vị trí triển khai dự án. Để giải tỏa những băn khoăn của các đại biểu trước sự sụt giảm của ngành du lịch do tác động của dịch bệnh, đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã nêu lên các giải pháp của ngành nhằm kích cầu cho các hoạt động dịch vụ du lịch; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đầu tư, tìm kiếm, phát triển sản phẩm du lịch mới; thường xuyên gặp gỡ, định hướng, gợi ý cho các thành viên Hiệp hội Du lịch tỉnh chuyển hướng kinh doanh các loại hình du lịch có sức thu hút du khách hơn. Ngành cũng thực hiện phân cấp quản lý, đồng thời tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, địa phương và xã hội hóa tôn tạo, trùng tu các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.

Tiếp đó, đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh & Xã hội giải trình, làm rõ kết quả thực hiện việc chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đến nay cơ bản đã hoàn thành chi trả cho 4 nhóm đối tượng: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí gần 105 tỷ đồng/118.579 đối tượng. Việc chi hỗ trợ kinh phí đảm bảo đến tay người đối tượng, khách quan, minh bạch, không có khiếu kiên, khiếu nại phức tạp xảy ra. Về tiến độ chi cho các nhóm đối tượng còn lại, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt danh sách 11.982 đối tượng được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đợt I với tổng số tiền 12,01 tỷ đồng. Để không để bỏ sót các đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ ở các nhóm còn lại, Sở đã chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội tham mưu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát đối tượng, hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt vào đợt II, phấn đấu hoàn thành trong tháng 7-2020. Xung quanh vấn đề giải quyết việc làm, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ cho các ngành mũi nhọn của tỉnh, giải pháp của ngành Lao động-Thương bình & Xã hội là phối hợp tuyên truyền thông tin, kết nối người lao động tiếp cận với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh truyền thông, hướng nghiệp; thực hiện chuyển dịch lao động theo chuyển dịch kinh tế, chú trọng đào tạo nghề cho các nhóm ngành trụ cột của tỉnh là năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, lãnh đạo ngành nêu lên những khó khăn trong tổ chức hoạt động cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện; hiện nay ngành đang thực hiện tích hợp 3 nội dung trong công tác cai nghiện ma túy: cai, lao động trị liệu và đào tạo nghề cho các đối tượng nghiện ma túy. Do đó, ngành rất cần có sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh đầu tư về cơ sở vật chất và con người để công tác này hiệu quả hơn.

Để làm rõ hơn báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020; lãnh đạo các ngành: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài Chính cũng có giải trình trước đại biểu và cử tri trong tỉnh trong phiên thảo luận tại hội trường.

Đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: P.Bình

Kết luận phiên thảo luận tại hội trường, đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu đã tích cực thảo luận, góp ý sâu sắc các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội địa phương, phần nào đáp ứng kỳ vọng của cư tri, nhân dân quan tâm. Đồng chí đề nghị các cấp chính quyền tăng cường công tác dự báo, đánh giá sát đúng tình hình thực tiễn địa phương để điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch, phương án đã được xây dựng và triển khai bảo đảm phù hợp, chủ động, không bất ngờ trong mọi tình huống thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương.