Nỗ lực đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, nên tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,81%. Tuy nhiên, kết quả này vẫn được coi là kỳ tích vì nhiều quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm. Đây cũng là nền tảng tốt để nền kinh tế nước ta tiếp tục có những mốc tăng trưởng tốt hơn trong 6 tháng cuối năm.

Tăng trưởng dương nhờ sức mạnh tổng hợp

Nửa đầu năm 2020, nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước đại dịch COVID-19. Hàng loạt quốc gia đã phải đóng cửa để ngăn chặn dịch khiến các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đứt gẫy, nhiều lĩnh vực dịch vụ, sản xuất bị đóng băng. Các dự báo tăng trưởng kinh tế liên tục thay đổi theo cấp độ tiêu cực.

Cũng nằm trong vòng xoáy này nhưng Việt Nam đang như một điểm sáng khi là một trong số ít các quốc gia không có ca tử vong do dịch, tăng trưởng kinh tế duy trì mức dương. Đây được xem là dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ “chống dịch COVID-19”.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý II-2020 là thời điểm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội. GDP quý II-2020 chỉ tăng 0,36% - mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 1,81%. Dù đây là mức tăng thấp nhất của 6 tháng trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm do dịch COVID-19, thì sự tăng trưởng dương của kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,54%; 34,2%; 42,03%; 10,23%). Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn bán lẻ tăng 4,3%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Trong 6 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế xuất siêu 4 tỷ USD giá trị hàng hóa…

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng sáu và 6 tháng đầu năm đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-6-2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, chúng ta đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng, chống dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Có thể thấy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của chính phủ, các cấp, các ngành, sự đoàn kết, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Việt Nam đã giành thắng lợi trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Đây là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục có những mốc tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm.

Nỗ lực đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5-2020, các hoạt động kinh tế-xã hội đang dần được khôi phục. Doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước đưa sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại. 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp thành lập mới - giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 đã tăng 28% so với tháng trước.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng tập trung giải ngân vốn đầu tư công đã kích thích một số ngành kinh tế tăng trưởng. Tốc độ tăng vốn từ ngân sách 6 tháng đầu năm cao nhất trong 5 năm qua, đạt 273,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng vốn và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư công chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho phát triển, là vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác.

Theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), nếu năm 2020 muốn giữ tăng trưởng ở mức 6,8%/năm thì tăng trưởng kinh tế trong 2 quý sắp tới sẽ phải đạt trên 10%/quý. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không nói là bất khả thi bởi tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, thương mại toàn cầu đang rất khó khăn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ cũng quyết liệt tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế, quy định pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thực thi, bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất, cần phải kết hợp hài hòa giữa các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Đó là tập trung hỗ trợ ngay cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vượt qua khó khăn, giảm thiểu tối đa việc phá sản hoặc bị các nước ngoài thâu tóm với giá rẻ. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và đủ sức tham gia chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội sau khi các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) có hiệu lực.

Bộ Tài chính cũng vừa trình Chính phủ Dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31-12-2020 với mức thuế bằng 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay hiện hành. Việc này sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp, góp phần hạn chế tình trạng cắt giảm lao động đối với ngành hàng không, ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho biết, cho rằng các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế...