Đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai mới 50 nhiệm vụ KH&CN; trong đó, 10 đề tài, dự án cấp quốc gia, 40 đề tài, dự án cấp tỉnh. Các đề tài, dự án chủ yếu tập trung vào chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm phát triển hàng hóa, sản phẩm đặc thù gắn với chế biến, chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu.

Các đề tài, dự án đã có những tác động đáng kể đến năng lực sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế đối với một số đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh.

Điểm nổi bật là chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nho, táo, măng tây xanh, nha đam, kiệu, cây ăn quả, cây dược liệu, bắp, đậu, với tổng diện tích 167 ha; 4.000m2 nhà lưới sản xuất rau ăn lá, nho; 50 ha ao, đìa sản xuất hàu Thái Bình Dương, cá mú đen chấm đỏ, cá chình hoa; tạo ra 350 con bê lai, có 610 hộ dân tham gia trong các dự án đã được chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới.

Mô hình nuôi ốc hương trong bể xi măng của Công ty TNHH MTV Châu Cầu triển khai ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với chuyển giao tiến bộ KH&CN, công tác tập huấn kỹ thuật cho nông dân cũng được chú trọng. Ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức hơn 300 lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng các quy trình công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến cho hơn 9.000 lượt người dân. Thông qua các lớp tập huấn, nông dân nắm vững về công nghệ nuôi trồng, sơ chế, bảo quản và chế biến rong sụn; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; chế biến rượu nho, mật nho, mứt nho; kỹ thuật trồng hành, tỏi, măng tây xanh và tưới tiết kiệm nước; ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến thức ăn gia súc; trồng rau an toàn trên giá thể sạch; quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ăn quả; trồng và chăm sóc bưởi da xanh. Nhờ tham gia các lớp tập huấn, kỹ thuật canh tác các loại cây trồng của người dân được nâng lên, đem lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Nhìn lại chặng đường 5 năm có thể thấy, hoạt động KH&CN đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, phục vụ đắc lực cho sản xuất các loại sản phẩm đặc thù của tỉnh, qua đó giúp các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp. Cụ thể, Trung tâm Giống Hải sản cấp I (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nắm bắt, làm chủ các quy trình công nghệ, đưa vào sản xuất ổn định bình quân hằng năm đạt 7 triệu con giống hàu Thái Bình Dương, 600 nghìn giống cá biển (bóp, chim, mú, chẽm); đã nhân rộng trong tỉnh 11 cơ sở sản xuất giống cá biển, 5 cơ sở sản xuất giống hàu, 1 cơ sở sản xuất giống cua. Trung tâm nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố chọn tạo được giống nho mới NH01-152 có màu sắc đỏ, trái dài và bước đầu đưa được giống này vào sản xuất theo hướng an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, giá bán lẻ tại vườn lên tới 140.000 đồng/kg.

 

Giống nho mới NH01-152 được trồng tại Trang trại Nho Ba Mọi (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ

Giai đoạn 2016-2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ trên 180 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN. Tiêu biểu như chuyển giao kết quả Đề tài nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ cây măng tây xanh của tỉnh để Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận lập dự án đầu tư sản xuất, chế biến nước uống măng tây xanh tại Khu công nghiệp Thành Hải; chuyển giao công nghệ màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) bảo quản măng tây xanh tươi đến 20 ngày, nhờ đó doanh nghiệp thu mua có thể đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở các thị trường lớn như : TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội… giúp người dân yên tâm sản xuất và đưa diện tích măng tây xanh trên toàn tỉnh lên gần 200 ha.

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Đạt được kết quả đó là nhờ có sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phát triển KH&CN, đưa KH&CN vào phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội. Những định hướng, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là yếu tố quan trọng đem lại những kết quả đạt được ở lĩnh vực KH&CN. Trong thời gian qua, tỉnh ta đã xây dựng được quan hệ hợp tác về KH&CN với nhiều cơ quan, đơn vị KH&CN uy tín trong và ngoài nước, qua đó đã nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao KH&CN và thu hút được nhiều đề tài, dự án hợp tác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức của nhân dân, doanh nghiệp về vai trò, sự cần thiết của KH&CN trong việc phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng cao.

Kết quả đạt được trong chuyển giao KH&CN vào sản xuất và đời sống là đáng ghi nhận, tuy vậy vẫn còn những hạn chế nhất định cần được khắc phục để KH&CN thực sự là động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Cụ thể, nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất; việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ trong nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Một số nhiệm vụ KH&CN triển khai còn chậm tiến độ, chưa bắt kịp nhu cầu từ thực tế sản xuất và đời sống; việc nhân rộng mô hình tiến bộ KH&CN vào sản xuất còn nhiều hạn chế về phạm vi, quy mô. Nguyên nhân của yếu kém được xác định là do một số đơn vị KH&CN chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh còn thiếu tính chuyên nghiệp. Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính hạn chế; chưa có khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để dẫn dắt, thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Để đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, theo đồng chí Lê Kim Hùng, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ những giải pháp như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng, chuyển giao KH&CN; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận và tiếp nhận tiến bộ KH&CN để áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, có tính khả thi cao, có khả năng ứng dụng, nhân rộng thành công, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh.