Bài học kinh nghiệm trong phòng, chống đại dịch COVID-19

Chủ động nắm bắt thông tin, nhận định diễn biến để quyết định các biện pháp chống dịch CoVID-19 ở mức sớm hơn, cao hơn so với quy định; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; làm tốt công tác thông tin truyền thông để có sự đồng tình, ủng hộ của người dân… Đây là những bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa được UBND tỉnh tổ chức.

Chia sẻ tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thứ nhất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh (BCĐ), cho biết: Công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 đã được tỉnh ta tổ chức một cách khẩn trương, kịp thời, khoa học, quyết liệt, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, BCĐ quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt, triển khai sớm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Từ khi dịch xuất hiện, đến khi được khống chế, Thường trực Tỉnh ủy ban hành 2 Kế hoạch, 7 Thông báo và 5 Công văn chỉ đạo; UBND tỉnh ban hành 8 Chỉ thị, 13 Kế hoạch, 12 Quyết định, 54 Thông báo và 189 công văn triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tổ chức các cuộc họp triển các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo tần suất 1 lần/tuần (khi chưa có trường hợp bệnh trong tỉnh), tần suất 3 lần/tuần và đột xuất (từ khi có trường hợp bệnh trong tỉnh), BCĐ tỉnh họp giao ban, báo cáo hàng ngày để thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời với diễn biến tình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Phun thuốc khử trùng ở Trạm Y tế xã Phước Nam (Thuận Nam) sau khi xuất hiện các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Thực hiện quyết liệt đợt cao điểm và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh thành lập 4 Chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các cửa ngõ đường bộ vào địa bàn tỉnh, 1 chốt tại Ga xe lửa Tháp Chàm và thành lập 1 Tổ liên ngành kiểm tra giám sát dịch. Các huyện, thành phố thành lập 409 Tổ Kiểm soát phòng, chống dịch ở các thôn, khu phố “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động, tuyên tuyền khai báo y tế và theo dõi sức khỏe người dân. Người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tự nguyện khai báo y tế, cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe của bản thân và gia đình trên ứng dụng NCOVI. Đến ngày 9-6, toàn tỉnh đã có 615.028 người đã khai báo trên hệ thống quản lý thông tin COVID-19, là một trong những tỉnh trong nhóm đạt tỷ lệ cao nhất so với cả nước. Kết quả này đã giúp chính quyền các địa phương và cơ quan y tế xác định nhanh chóng về những trường hợp cách ly, trường hợp nghi lây nhiễm, đồng thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng tránh dịch hiệu quả.

Về xử lý dịch bệnh, ngay sau khi phát hiện trường hợp bệnh xâm nhập (BN 61 và 67 đi từ Malaysia về) UBND tỉnh đã tổ chức họp, triển khai phương án và các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp; kích hoạt Đội đáp ứng nhanh Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch, triển khai quy trình điều trị theo quy định. Thiết lập cách ly y tế khu vực dân cư thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam (Thuận Nam). Tiến hành cách ly các đối tượng F1, F2; tổ chức lấy 308 mẫu xét nghiệm. kết quả 2 người dương tính (BN61, BN67) và 269 người có kết quả âm tính (có 37 mẫu xét nghiệm 2 lần trở lên). Để triển khai thực hiện công tác sàng lọc kịp thời, xác định các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 2 hệ thống xét nghiệm sàng lọc SAR–CoV–2.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, các cấp, hội, đoàn thể, địa phương, nhất là các cơ quan báo chí, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh cũng đã thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch bệnh COVID-19, đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, đồng thuận chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật trên không gian mạng; trong đó, tập trung đấu tranh với các đối tượng tung tin sai sự thật, bịa đặt về chủ trương, chính sách phòng, chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đưa thông tin sai sự thật về tình hình sức khỏe và đời sống cá nhân của một số người được xác định nhiễm bệnh.

Phòng, chống dịch COVID-19 gắn với bảo đảm an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Qua phát động, có hơn 120 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đăng ký ủng hộ tiền và hiện vật phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tổng trị giá trên 12 tỷ đồng. Cùng với đó, triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-TTg và Quyết định 15/QĐ-TTg của Chính phủ, đến nay, có 118.579 đối tượng được hỗ trợ, với tổng kinh phí thực hiện hơn 104,83 tỷ đồng.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay: Diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp, sau khi hết giãn cách xã hội hiện tượng người dân từ các địa phương có dịch COVID-19 đến Ninh Thuận với mục đích thăm thân hoặc du lịch, vì vậy nguy cơ tiềm ẩn rất cao. Để phòng chống hiệu quả, thời gian đến cần tiếp tục thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND, BCĐ tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện tốt các biện pháp tiếp tục ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2020. Chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần phục hồi và phát triển KT-XH. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội để khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19. Đẩy mạnh triển khai các kế hoạch tái khởi động nền KT-XH theo lộ trình phù hợp với diễn biến của dịch. Thực hiện đồng bộ, có hiệu qủa các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển KT-XH. Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới.