Nơi thắp niềm hy vọng cho trẻ khuyết tật

Với những đứa trẻ khuyết tật, sinh ra đã mang trong mình nhiều thiệt thòi và bất hạnh nên những điều bình thường như được đến trường, có bạn bè, thầy cô cũng trở nên quá xa xôi. Nhưng hơn 9 năm qua, bằng tình yêu thương của các giáo viên Trường Giáo dục Chuyên biệt Tương lai, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), giấc mơ đến trường của nhiều em khuyết tật đã trở thành hiện thực.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Mỹ Hoa, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai cho biết: Trường hiện có 8 cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm nhận nuôi dạy 65 trẻ khuyết tật từ 4 đến 15 tuổi. Để thuận tiện trong công tác giảng dạy, nhà trường chia thành 2 nhóm học sinh dựa trên trình độ, dạng khuyết tật gồm nhóm bị khiếm thính và nhóm chậm phát triển mắc các chứng Down, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, tăng động… Với nhiều dạng tật và lứa tuổi của trẻ như vậy, nên các em được học tập theo chương trình chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với trẻ khiếm thính, GV tập trung dạy các em kỹ năng nghe, nói, kết hợp dạy ngôn ngữ khẩu hình, hội thoại, giảm ngôn ngữ dấu. Với lớp chậm phát triển, các em học 4 kỹ năng: tự lực, giao tiếp, vận động, văn hóa; trong đó, đặc biệt chú trọng đến kỹ năng “tự lực”, “giao tiếp” giúp các em hòa đồng, có khả năng tự phục vụ bản thân. Đối với trẻ khuyết tật thì khả năng nhận thức, diễn đạt những ý nghĩ, mong muốn của bản thân rất hạn chế. Vì thế, giáo viên phải thường xuyên quan tâm chăm sóc, trò chuyện, giúp đỡ trẻ ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoạt động. Đặc biệt, để tạo cho trẻ sự tự tin, mạnh dạn hòa nhập và tham gia hoạt động với các bạn, giáo viên phải linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, chu đáo và tỉ mỉ để phát hiện những khả năng tiềm ẩn và đáp ứng kịp thời những nhu cầu đòi hỏi của trẻ. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên giảng dạy tại trường chia sẻ: Sinh ra vốn chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh từ nhỏ nên tính cách các em cũng rất đặc biệt, nhiều em rất bướng bĩnh, tính tình nóng nảy, lúc mới đến trường hầu như em nào cũng bất hợp tác, thậm chí còn đánh, cắn cả cô giáo. Những lúc đó, thay vì giận, chúng tôi càng thấy thương các em nhiều hơn và càng quyết tâm trau dồi thêm kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm để dần dần chỉ dạy, giúp các em tiến bộ. Trẻ tiến bộ, dù một chút thôi cũng là món quà vô giá, là động lực giúp chúng tôi yêu nghề hơn, cống hiến nhiều hơn để “chữa lành” những tâm hồn tổn thương của các em”.

Các em Trường giáo dục chuyên biệt Tương lai tự tin biểu diễn đánh trống.

Nhằm hướng các em đến sự phát triển toàn diện, ngoài thời gian học văn hóa, nhà trường còn chú trọng bồi dưỡng các môn năng khiếu bổ trợ, tăng cường giao tiếp trao đổi phục hồi chức năng nghe, nói, phát triển ngôn ngữ cho học sinh như: đánh đàn, vi tính, đánh trống…Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa-văn nghệ, tạo sân chơi lành mạnh giúp các em có cơ hội được thể hiện bản thân. Nhờ sự chăm sóc, giảng dạy chu đáo của đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường, sau một thời gian, đa số các em đã hình thành được kỹ năng tự phục vụ, tự biết vệ sinh cá nhân, ăn uống cũng như vệ sinh trường lớp, biết giữ gìn và bảo quản sách vở, đồ dùng học tập của mình. Đơn cử như em Tiến Minh (15 tuổi) vốn là trẻ chậm phát triển, kỹ năng nghe, nói của em còn yếu, ăn uống khó khăn, sau thời gian học tập ở trường đến nay Tiến Minh biết làm những phép tính đơn giản, tự tin đánh đàn cho các bạn nghe; tự phục vụ bản thân và giúp đỡ cô giáo dọn dẹp sau mỗi buổi học; Hay như em Ngọc, học sinh lớp Sóc Nâu từ trẻ tự kỷ, luôn nhút nhát, rụt rè thì nay đã tự tin giao tiếp với bạn bè, cô giáo, trở thành “tay trống’ chính của trường trong các dịp lễ …

Được chứng kiến sự tiến bộ của các em, được nghe những câu chuyện chân thực từ nghề nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Trường Giáo dục Chuyên biệt Tương lai mới thấu hiểu được sự vất vả, nhẫn nại của những giáo viên nơi đây. Họ không chỉ là những người đưa đò tâm huyết với nghề mà còn như những người mẹ dành tất cả tình yêu thương, sức lực và thời gian “bù đắp” cho những đứa con bị thiệt thòi, kém may mắn. Chia tay mái trường đặc biệt ấy, chúng tôi vẫn nhớ mãi về mong ước của các giáo viên Trường Giáo dục chuyên biệt Tương lai là tỉnh ta sớm có cơ sở hướng nghiệp dạy nghề dành cho người khuyết tật, để sau khi rời trường, các em có thể vận dụng những kiến thức, kỹ năng được học, sớm hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.