Thuận Nam: Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Qua gần 10 năm (2011-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Thuận Nam phát triển nhanh, nổi bật là đường giao thông liên thôn, liên xã, điện sinh hoạt, trường học, cơ sở vật chất văn hóa ngày càng hoàn thiện, tạo đà cho phát triển chung của huyện.

Xác định phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá, nên huyện tập trung chú trọng đầu tư. Nhờ có cách làm hay, nên việc xây dựng đường giao thông nông thôn đã huy động được sự tham gia tích cực của Nhân dân. Qua đó, đã huy động được 7,568 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 4,723 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1,422 tỷ đồng) để bê tông 69 tuyến đường nội thôn, với tổng chiều dài 15,743 km. Cụ thể, xã Phước Nam 43 tuyến, tổng chiều dài 8,145 km; xã Phước Diêm 7 tuyến, tổng chiều dài 1,309km; Phước Minh 3 tuyến, chiều dài 1,6km; Phước Ninh 8 tuyến, chiều dài 1,794 km; Nhị Hà 4 tuyến, chiều dài 0,995 km; Cà Ná 4 tuyến, chiều dài 1,9 km. Nếu như năm 2011 chưa có xã nào đạt tiêu chí số 2 (Đường giao thông nông thôn) thì đến nay có 5/8 xã đã đạt.

Công nhân bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Là địa phương luôn chịu ảnh hưởng của hạn hán, nên huyện coi trọng thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 3 (Thủy lợi) làm đòn bẫy thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Giai đoạn 2011-2020, huyện đã đầu tư 125,109 tỷ đồng, xây 118,76 km kênh mương cấp III, nâng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương nội đồng trên địa bàn đạt 100%, đến nay 8/8 xã đạt tiêu chí Thủy lợi. Hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển các loại cây trồng lợi thế như thanh long, mãng cầu, mít, bưởi...

Đối với tiêu chí số 5 (Cơ sở trường học), quá trình thực hiện gặp khó khăn do khi mới triển khai Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn chưa có xã nào đạt. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, cùng với việc chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình trọng tâm, huyện đã huy động được trên 66,513 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các cơ sở trường học, mua sắm trang thiết bị giáo dục. Năm 2011 chưa có xã nào đạt tiêu chí số 5, đến nay có 4/8 xã đạt tiêu chí về trường học. Kết quả từ đầu tư tạo hiệu ứng tích cực, quy mô học sinh các cấp được duy trì, ổn định; chất lượng giáo dục ở các cấp có chuyển biến theo hướng bền vững, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì, 8/8 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 8/8 xã được công nhận xã đạt chuẩn mầm non; toàn huyện có 8 trường đạt chuẩn quốc gia.

Chợ Văn Lâm (xã Phước Nam) được đầu tư xây dựng khang trang phục vụ nhu cầu mua bán của Nhân dân vùng nông thôn.

Trong xây dựng NTM, thực hiện các tiêu chí thuộc lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là khó, do cần có nguồn kinh phí lớn. Tuy vậy, huyện Thuận Nam đã làm được nhờ vào tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương. Cụ thể, từ chỗ năm 2011 trên địa bàn huyện chưa có xã nào đạt tiêu số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) thì đến năm 2019 tất cả các xã đã hoàn thành. Tương tự, tiêu chí số 7 (Chợ nông thôn) cũng “cán đích” sớm kế hoạch. Theo báo cáo của UBND huyện, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã xây mới 3 chợ nông thôn, nâng cấp 4 chợ, với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Các chợ đi vào hoạt động đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ đời sống, sản xuất của Nhân dân khu vực nông thôn.

Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết: Huyện coi xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suối của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã. Với tinh thần đó, huyện đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới là ưu tiên tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và diện mạo mới ở khu vực nông thôn.