Huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo nhanh bền vững

Thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bác Ái lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bác Ái đã phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương... tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), từng bước đưa Bác Ái thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

“Dấu ấn” nhiệm kỳ

là huyện miền núi nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, lại thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của thiên tai, nhưng nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bác Ái đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra, trong đó nổi bật: Kinh tế của huyện tăng trưởng khá; tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 15,8%, vượt 0,8% kế hoạch; tổng giá trị sản xuất đạt 1.462 tỷ đồng, tăng 152,2%, vượt 4,4% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 17,2 triệu đồng, tăng 72%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 15 tỷ đồng, tăng 109,9%; tổng diện tích gieo trồng đạt 11.000 ha, tăng 25% so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện; từ một huyện miền núi nghèo, sản xuất lạc hậu, Bác Ái đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi; đã có sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến với phát triển vùng nguyên liệu. Việc cơ cấu lạ ngành nông nghiệp, tập trung đất đai để tổ chức sản xuất quy mô lớn đã được quan tâm và đạt kết quả bước đầu quan trọng. Nhiều mô hình phát triển kinh tế tổng hợp đã được xây dựng, nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Thực hiện tốt đề án giao rừng, kết hợp giữa trồng rừng, bảo vệ rừng và khai thác hợp lý bằng các biện pháp lâm sinh bền vững nhằm bảo đảm môi trường sinh thái, tỷ lệ độ che phủ rừng bền vững.

Thế hệ trẻ, học sinh Bác Ái vững tin vào sự phát triển của huyện Bác Ái trong tương lai.

Song song đó, thực hiện các chương trình giảm nghèo, trên địa bàn huyện đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao; sự đồng thuậ​n, nhất trí của người dân, qua đó tạo sức lan tỏa trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Tổng nguồn thực hiện các chương trình, đề án liên quan Nghị quyết 30a trên địa bàn toàn huyện đạt trên 500 tỷ đồng; mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 15%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; công tác đào tạo nghề nông thôn, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, gắn với tạo việc làm cho người dân được quan tâm thực hiện; từng bước nâng cao đời sống nhân dân; chất lượng giáo dục-đào tạo, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; việc điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo và tăng cường đội ngũ tri thức trẻ về giúp cơ sở đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; đảm bảo quốc phòng-an ninh; tạo bước chuyển căn bản toàn diện trên các lĩnh vực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 5,9%, còn 29,25%, đạt và vượt kế hoạch của tỉnh và huyện đề ra.

Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Thành tựu đạt được sau 20 năm tái lập huyện, đặc biệt là trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa quan trọng, đã khẳng định và nâng cao vị thế của huyện, tạo tiền đề để huyện tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Có được kết quả trên, bên cạnh sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, điều quan trọng nhất đó là niềm tin, sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của mỗi người dân trên địa bàn. Đảng bộ huyện luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm phương châm cho mọi hành động; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có phương pháp, cách làm sáng tạo.

Đổi mới và phát triển bền vững

Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết thêm: Với phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Đổi mới-Phát triển”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bác Ái sẽ tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy thành quả đạt được, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương kết hợp với các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh và các nguồn lực khác sử dụng có hiệu quả, tạo đột phá để phát triển KT-XH, giảm nghèo nhanh bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh; quyết tâm xây dựng huyện Bác Ái phát triển bền vững.

Trong giai đoạn tới, huyện tập trung cao hơn nữa về phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển nông-lâm nghiệp. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; tổ chức lại sản xuất nông-lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô vừa và lớn, gắn với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, con nuôi đặc sản quy mô trang trại, gia trại tập trung, gắn với an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển các mô hình trang trại kinh tế tổng hợp, kinh tế rừng; làm tốt công tác cải tạo vườn tạp, trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ và chăm sóc rừng. Quan tâm bảo vệ nguồn sinh thuỷ, giữ gìn môi trường sinh thái rừng. Ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn lực trên địa bàn để triển khai thực hiện tốt các chính sách về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, dịch vụ, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà huyện có thế mạnh. Tiếp tục thực hiện đầu tư và phát huy hiệu quả cụm công nghiệp xã Phước Tiến; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu theo quy hoạch được duyệt; ưu tiên đầu tư các công trình cấp bách, trọng điểm, các công trình phục vụ sự nghiệp giáo dục, y tế và dân sinh; chú trọng đến công tác quản lý chất lượng công trình. Từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu xây dựng xã Phước Đại trở thành đô thị loại V.

Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của trung ương, Tỉnh ủy về Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, gắn với thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, các chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ người dân thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Cùng với phát triển kinh tế, để giảm nghèo bền vững và nâng cao dân trí, huyện sẽ tập trung lãnh đạo, đề ra giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.