COVID-19 tiếp tục gây áp lực nặng nề với Mỹ Latinh

Cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ Latinh ngày càng trở nên cam go khi dịch bệnh này vẫn diễn biến mạnh. Cùng với những lỗ hổng trong phòng chống khiến dịch trở nên mất kiểm soát, áp lực cũng đang đè nặng lên khu vực khi cuộc khủng hoảng này đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội.

Vẫn là điểm nóng

Trong khi nhiều khu vực trên thế giới đã bắt đầu từng bước trở lại cuộc sống bình thường sau một thời gian dài phải đối phó với đại dịch COVID-19, thì đối với Mỹ Latinh, khu vực này vẫn đang trở thành điểm nóng của đại dịch với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở khu vực này đã vượt trên 1,6 triệu người với tốc độ tăng hàng ngày lên tới 5% tại một số nước trong những tuần gần đây. Trong khi đó số ca tử vong đã lên tới 98 nghìn người. Trước mắt, các nước khu vực vẫn phải tập trung nỗ lực để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, khi số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng mỗi ngày, hiện chiếm gần 19% tổng số ca nhiễm trên thế giới.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 tại khu vực là Brazil. Nước này đã trở thành quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, và đứng đầu tại khu vực Mỹ Latinh. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới tại quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này luôn ở mức 5%, tương đương với khoảng 35 nghìn ca mỗi ngày. Trong ngày 17-6, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận số ca nhiễm và số ca tử vong trong ngày cao nhất thế giới, 31.475 ca nhiễm và 1.209 ca tử vong. Hiện Brazil đã có hơn 960 nghìn người nhiệm và gần 46.000 nghìn người chết. Peru trong ngày 17-6 cũng đã có thêm 3.752 ca nhiễm mới. Hiện tổng số ca nhiễm tại Peru đã lên tới hơn  240 nghìn ca, đứng thứ 2 tại khu vực Nam Mỹ, sau Brazil và số ca tử vong ở nước này đã  lên tới 7.257 người. Cùng với Brazil và Peru, Chile cũng là các quốc gia có tình trạng lây lan dịch bệnh mạnh nhất trong vài tuần gần đây với gần 185 nghìn ca nhiễm và 3.615 người tử vong.

Không chỉ riêng Brazil, Peru và Chile, xu hướng tăng mạnh các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng xảy ra ở Mexico với gần 160 nghìn trường hợp. Ở một mức độ thấp hơn như Ecuador và Colombia cũng có khoảng 50.000 người nhiễm. Argentina, dù được cho là một trong số ít các nước ở khu vực áp dụng thành công các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, song cũng đã ghi nhận hơn 35.000 ca và trong những ngày gần đây, tốc độ tăng của các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới cũng đang ở mức báo động với khoảng 1.000 người mỗi ngày.

Chuyên gia dịch tễ học thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Daniel Lopez Acuna nhận định tình hình dịch bệnh ở Mỹ Latinh vẫn diễn biến hết sức phức tạp và có lẽ giai đoạn bùng nổ mới chỉ bắt đầu. Tại hầu hết các nước ở khu vực, giai đoạn đỉnh dịch dự báo sẽ còn kéo dài trong những tuần tới trước khi có thể giảm nhiệt sau ít nhất là 2 tháng nữa. Trong khi đó, nhà nghiên cứu về tình hình Mỹ Latinh thuộc Viện Hoàng gia Elcano Tây Ban Nha, Carlos Malamud nhận định có thể tình hình sẽ phức tạp hơn rất nhiều khi dịch bệnh kéo dài bởi vì các chính phủ có rất ít lựa chọn trong các biện pháp hồi phục thời kỳ hậu COVID-19.

Lỗ hổng trong phòng, chống dịch

Việc Mỹ Latinh trở thành điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm không ngừng tăng mạnh đã cho thấy những lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch của chính phủ các nước trong khu vực.

Dù Mỹ Latinh là khu vực bị COVID-19 “tấn công” muộn hơn so với các khu vực khác và được cho có thời gian chuẩn bị phương án đối phó, song dường như không phải tất cả đều đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của đại dịch này và trong nhiều trường hợp, các biện pháp được đưa ra là không đủ để ngăn chặn. Trong bối cảnh phần lớn dân số Mỹ Latinh thuộc tầng lớp người nghèo, số người tham gia các hoạt động kinh tế không chính thức chiếm tới 50%, nên việc áp dụng biện pháp cách ly xã hội bắt buộc trong thời gian kéo dài đã không thể đem lại kết quả như mong đợi do nhiều người vẫn phải ra đường kiếm sống.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc chính phủ nhiều nước Mỹ Latinh thiếu các hành động quyết liệt vẫn là yếu tố then chốt dẫn tới gia tăng mạnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Phần lớn các nước không dự báo được đầy đủ, trong khi một số khác chưa triển khai một cách nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, thậm chí có chính phủ còn tỏ ra khá “thờ ơ” trước tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, tình trạng thiếu hụt về đầu tư hạ tầng y tế, cũng như sự yếu kém trong cơ chế giám sát dịch bệnh cũng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng khi số ca nhiễm tăng mạnh từng ngày gây quá tải hệ thống y tế.

Rõ ràng, các nước Mỹ Latinh đã mất quá nhiều thời gian mà không thiết lập được các biện pháp chung đối phó với đại dịch COVID-19 do thiếu vắng một cơ chế hợp tác thích hợp tại khu vực. Chính phủ các nước ưu tiên các giải pháp đối phó với đại dịch COVID-19 mang tính quốc gia thay vì tăng cường hợp tác khu vực.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 xảy ra vào thời điểm nhiều nước Mỹ Latinh gặp phải những vấn đề “nghiêm trọng” về kinh tế và tài chính. Đại dịch khiến các quốc gia lo lắng cho chính mình và những gì sẽ xảy ra ở phía bên kia biên giới không khiến các chính phủ bận tâm. Thêm vào đó, tình hình tài chính của các chính phủ không quá khả quan để có thể hợp tác và cung cấp vật tư cho các quốc gia khác.

Các chuyên gia y tế  lo ngại trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng ở Mỹ Latinh, đặc biệt  trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, bất chấp sự gia tăng mạnh số ca nhiễm mới có thể sẽ khiến cho nhiều nước phải chịu hậu quả nặng nề hơn nữa.

Tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội

Hiện, áp lực đang đè nặng lên chính phủ các nước Mỹ Latinh khi cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế khu vực, vốn đã tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc ngày 16/6 cảnh báo Mỹ Latinh sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm 8% trong năm 2020, một mức giảm nặng nề nhất trong lịch sử. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh và Caribe xuống mức âm 7,2% trong năm 2020. Còn theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đổ vào khu vực Mỹ Latinh sẽ giảm tới 50% trong năm 2020.

Ngày 17-6, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hơn tình trạng vỡ nợ doanh nghiệp ở khu vực này và tình hình có thể sẽ kéo dài trong cả năm 2020. Hãng này ước tính tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp ở Mỹ Latinh có thể tăng từ 6,8-10,2% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với mức dự báo 2,2% đưa ra hồi tháng trước. Moody’s cũng cho rằng các chiến lược mở cửa lại nền kinh tế thời kỳ hậu COVID-19 sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực theo các mức độ khác nhau. Những ngành cơ bản như khai thác mỏ ở Chile và Peru; hoặc các ngành nhận được hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ sẽ ít bị tác động tiêu cực hơn. Trong khi đó, ngành du lịch và hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện đã có hai trong số các hãng hàng không lớn nhất khu vực là Avianca (Colombia) và LATAM (Chile) phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.

Tình trạng hiện nay cũng được cho là sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất trong khu vực trong nhiều thập kỷ với hàng triệu người nghèo và thất nghiệp mới, cũng như “khoét sâu” sự bất bình đẳng xã hội, đặc biệt đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Giám đốc khu vực của WFP Miguel Barreto cho biết, do cuộc khủng hoảng COVID-19, khoản trợ giúp tài chính trị giá 400 triệu USD dự kiến dành cho khu vực trong cuộc hiến chống nạn đói năm 2020 trở nên quá thấp so với nhu cầu hiện tại. Theo ông Barreto, đại dịch COVID-19 đã kéo theo các cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội tại khu vực và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở khu vực. Do vậy, chính phủ các nước trong khu vực và các tổ chức lương thực và nhân đạo quốc tế cần hành động ngay để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này biến thành đại dịch đói.

Theo TTXVN