Hoạt động khoa học và công nghệ phát triển lên tầm cao mới

Thực hiện Nghị quyết số 72/2016/NQ-HĐND ngày 31-10-2016 của HĐND tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) tạo chuyển biến tích cực. Hoạt động KH&CN có bước phát triển khá rõ nét, đã huy động được nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương trong triển khai các nhiệm vụ.

KH&CN đã thực sự đi vào sản xuất và đời sống, gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có những đóng góp thiết thực trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; đã xây dựng các luận cứ khoa học làm cơ sở để các cấp lãnh đạo ban hành nhiều chính sách kinh tế - xã hội được nhân dân đồng tình ủng hộ cao.

Cán bộ Viện Nghiên cứu cây bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố tập trung đầu tư cho nghiên cứu giống cây trồng có chất lượng, chuyển giao cho nông dân. Ảnh:V.M

Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết 72 của HĐND tỉnh để thấy, kết quả thực hiện các chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 cơ bản đạt và vượt. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 25% tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu điều tra, tính toán và dự báo của Cục Thống kê tỉnh và Viện năng suất Việt Nam, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2016– 2019, ước năm 2020 đạt bình quân 43,5%, vượt 1,8 lần so với chỉ tiêu đề ra và vượt 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Theo đánh giá của ngành chức năng, kết quả đạt được do các năm gần đây nền kinh tế tỉnh có những chuyển biến tích cực, nhiều dự án đầu tư mới có trình độ công nghệ cao, việc áp dụng các tiến bộ KH&CN đã phát huy hiệu quả nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, công cuộc cải cách hành chính được đẩy mạnh, trình độ người lao động được nâng cao, đã góp phần tích cực vào tăng trưởng GRDP.

So với trước, hoạt động KH&CN hiện nay phát triển lên tầm cao mới nhờ chú trọng đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế tài chính trong lĩnh vực KH&CN. Đến nay, cơ bản hệ thống các văn bản quy định về các cơ chế đặt hàng, tuyển chọn, khoán kinh phí, hỗ trợ doanh nghiệp… đều đã được hoàn thiện và đi vào vận hành ổn định. Từ năm 2016 đến nay, 100% đề tài, dự án KH&CN đều thực hiện theo cơ chế đặt hàng và khoán kinh phí (gồm khoán từng phần, khoán đến sản phẩm cuối cùng), trên 70% số đề tài, dự án thực hiện theo cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì. Sở KH&CN đã nghiên cứu tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách, văn bản định hướng, chỉ đạo làm nền tảng cho chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020 ngành KH&CN đã tranh thủ nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách tỉnh để đầu tư cho KH&CN.Tổng vốn toàn xã hội đầu tư cho KH&CN giai đoạn này là 148,27 tỷ đồng, đạt 0,19% GRDP của tỉnh. Trong đó, riêng vốn ngoài ngân sách tỉnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu KH&CN khá cao, đạt 55,70 tỷ đồng, chiếm 38%. Vốn từ Ngân sách (trung ương và địa phương) đầu tư cho KH&CN là 123,55 tỷ đồng, đạt 0,50% tổng chi ngân sách tỉnh, tăng so với giai đoạn 2011-2015 là 41,14 tỷ đồng. Bình quân hàng năm ngân sách đầu tư cho KH&CN 24,71 tỷ đồng/năm, tăng 1,5 lần so với bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 là16,48 tỷ đồng/năm.

Từ việc đưa ra các cơ chế chính sách ưu đãi, đã thu hút số cán bộ tham gia hoạt động nghiên cứu KH&CN trong tỉnh ngày càng đông, đạt mức 6 người/1 vạn dân. Tính đến nay, toàn tỉnh có 21 tổ chức KH&CN, với 786 cán bộ (3 tiến sĩ, 115 thạc sĩ, 607 đại học, cao đẳng và 61 trình độ khác). Trong đó, có 714 người tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN và hoạt động dịch vụ phục vụ KH&CN. Số lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển KH&CN trong toàn tỉnh đạt gần 12 người/1 vạn dân, vượt 2 lần chỉ tiêu đề ra. Sở KH&CN đã hỗ trợ chuyển đổi và công nhận Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh vào tháng 4-2017 và đang tiếp tục hỗ trợ ươm tạo 4 doanh nghiệp (Công ty TNHH Linh Đan, Công ty TNHH Thủy sản nông nghiệp công nghệ cao OPF, Công ty Cổ phần Sun & Wind, Công ty TNHH Nông nghiệp Tiến Tiến) để sớm chuyển đổi doanh nghiệp KH&CN. Tính chung trong 4 năm, có 180 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ trong hoạt động KH&CN, vượt 150% chỉ tiêu Nghị quyết 72 của HĐND tỉnh.

Công ty TNHH Nông nghiệp Tiến Tiến đầu tư điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Đạt được kết quả đó là nhờ sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là yếu tố quan trọng đưa lại những kết quả trong lĩnh vực KH&CN, thể hiện ở chỗ là đã ban hành những cơ chế chính sách mới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế cho các tổ chức KH&CN. Dù ngân sách còn hạn hẹp, nhưng UBND tỉnh vẫn bố trí kinh phí đảm bảo cho KH&CN bằng với mức trung ương phân bổ. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác về KH&CN với nhiều cơ quan, đơn vị KH&CN uy tín trong và ngoài nước, qua đó đã thu hút được nhiều đề tài, dự án hợp tác phát triển kinh tế- xã hội. Nhận thức của Nhân dân, doanh nghiệp về vai trò, sự cần thiết của KH&CN nghệ trong việc phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng là yếu tố góp phần đưa lại kết quả đáng nghi nhận.