Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Với việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động, những năm qua, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm từng bước nâng cao nhận thức, khuyến khích cán bộ, công chức (CBCC), đảng viên và các tầng lớp Nhân dân hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT), qua đó góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay là một ngày nhiều niềm vui và ý nghĩa đối với học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Bởi dịp này, UBND thành phố đã tổ chức chương trình trao tặng 200 suất học bổng (500 ngàn đồng/suất) cho HS có hoàn cảnh khó khăn năm 2020. Nhân dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cũng đã trao tặng 10 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho 10 HS nghèo vượt khó học giỏi. Đây là hoạt động thiết thực, không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền, mà còn là một phần kinh phí giúp các em có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường. Trước đó, trong quý I-2020, Hội khuyến học cơ sở xã, phường và trường THPT đã phối hợp với Mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp, chi hội trường học và các nhà hảo tâm chăm lo HS thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn nhiều suất quà nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý… Cùng với đó, trong nửa nhiệm kỳ (2017-2020), các cấp bộ Đoàn thành phố nhận đỡ đầu 254 HS có hoàn cảnh khó khăn theo năm học, cấp học, đến hết 12; đồng thời, vận động giúp đỡ 3.866 HS thông qua việc tặng học bổng, thẻ bảo hiểm y tế, tặng quà nhân dịp lễ, tết và khai giảng năm học mới với số tiền 914 triệu đồng. Những việc làm thiết thực ấy giúp các em, nhất là những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn có thêm niềm tin, nghị lực phấn đấu nhiều hơn nữa để có tương lai tươi sáng.

Lãnh đạo UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn năm 2020.

Cùng với KHKT, công tác xây dựng XHHT cũng được cấp ủy, chính quyền, Hội Khuyến học thành phố quan tâm đẩy mạnh tạo sự lan tỏa ngày một sâu rộng. Đến nay, thành phố có 26.427/44.315 gia đình đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 13/21 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng học học tập”; 71/117 cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 40/59 đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. Các trung tâm học tập cộng đồng phường, xã xây dựng chương trình hoạt động, triển khai các lớp dạy nghề ngắn hạn, các lớp chuyên đề cho Nhân dân. Với phương châm “Cần gì học nấy”, trong năm 2019, các trung tâm học tập cộng đồng đã mở 200 lớp với 11.744 lượt người tham gia, qua đó giúp các tầng lớp Nhân dân cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết, áp dụng vào đời đời sống, sản xuất, kinh doanh. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCC cũng được quan tâm đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, thành phố được công nhận đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ đạt mức độ 1; phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3. Trong năm 2019, thành phố có 79,6% CBCC, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 100% CBCC cấp thành phố được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; 99,72% CBCC cấp xã, phường có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định. Đối với lao động nông thôn, có 92,19% người tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng; 66% công nhân lao động qua đào tạo nghề; 100% HS được giáo dục kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục…

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác KHKT, xây dựng XHHT trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm ngày càng lan tỏa trong đời sống Nhân dân. Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2020, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức CBCC, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng XHHT; đẩy mạnh các hoạt động KHKT giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn; nhân rộng, phát huy hiệu quả các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; gắn phong trào xây dựng XHHT với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng; đa dạng hóa các hình thức học tập, giảng dạy… Phấn đấu 100% xã, phường duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% CBCC, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 100% CBCC cấp thành phố và xã, phường được đào tạo, có trình độ chuyên môn đáp ứng tiêu chuẩn quy định; 92% lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng; 80% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương; 85% công nhân qua đào tạo nghề.