Người phụ nữ Chăm đánh thức vùng đất Bàu Rế

Vùng đất Bàu Rế xã Phước Hải, huyện Ninh Phước trước là vùng cát cằn cỗi, hoang hóa, khó sản xuất nay đang đàn phủ bởi màu xanh cây trái, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều nông hộ tại địa phương. Người đánh thức vùng đất khô cằn này chính là chị Châu Thị Xéo ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước - người phụ nữ Chăm chịu thương, chịu khó, không ngừng vươn lên trong lao động sản xuất.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, chị Châu Thị Xéo luôn trăn trở làm thế nào để sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Năm 2005, chị quyết tâm khai hoang 2 ha đất cát tại khu vực Bàu Rế để trồng bắp, đậu và dưa hấu. Nhưng do sản xuất phụ thuộc nước trời nên cây trồng bấp bênh mùa được, mùa mất.

Không nản chí, chị Xéo nghỉ phải chủ động nguồn nước tưới thì mới canh tác hiệu quả được. Vì vậy, năm 2011, chị mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để trồng cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, chị thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất và tiêu thụ. Nhờ đó thu nhập của gia đình từng bước được nâng lên, mỗi năm khoảng hơn 300 triệu đồng.

Chị Châu Thị Xéo cùng thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế thu hoạch măng tây xanh.

Với quyết tâm làm giàu, cuối năm 2016, chị Xéo đầu tư trồng thử nghiệm một sào cây măng tây xanh. Nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nên vườn măng tây xanh của gia đình chị phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ kết quả đó, chị đầu tư trồng 5 sào măng tây xanh, mỗi tháng cho thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Thấy tiềm năng đất đai có thể mở rộng diện tích cây măng tây, chị Châu Thị Xéo đã đến từng nông hộ lấy thành công của mình để vận động bà con liên kết sản xuất măng tây theo mô hình Hợp tác xã. Với sự năng động và ý chí quyết tâm, chị Châu Thị Xéo được bầu làm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế. Qua 3 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã đã trở thành điểm tựa cho nông dân liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hoá đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng giá trị kinh tế cho sản phẩm măng tây. Tin tưởng vào năng lực quản lý của chị Xéo, UBND xã Phước Hải đã giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế thực hiện cánh đồng lớn với diện tích trên 50 ha lúa nước và 14 ha măng tây xanh. Với tinh thần vượt khó, sáng tạo, luôn sát cánh cùng xã viên, chị Xéo từng bước khẳng định vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới; thu hút nhiều thành viên. Từ 37 thành viên ban đầu, đến nay, Hợp tác xã có 73 thành viên với vốn điều lệ hơn 200 triệu đồng. Toàn bộ diện tích măng tây đều áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, được Trang trại măng tây hữu cơ Tiên Tiến bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Các hộ trồng măng tây có lợi nhuận cao gấp 7-8 lần trồng lúa. Ông Thạch Nhiên-Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế chia sẻ: Trước kia chưa vào HTX thì làm ăn bấp bênh lắm. Bây giờ thì ổn định hơn. Trước đây làm 1 sào hoa màu trong 3 tháng thu nhập từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Bây giờ vào HTX làm măng tây, một ngày thu hoạch trên 1 sào khoảng 10 kg măng tươi, được HTX bao tiêu với giá 50 nghìn đồng/ kg nên cuộc sống ngày càng khá giả.

Theo gương chị Xéo, các thành viên HTX còn tự nguyện hiến đất làm đường giao thông để tiêu thụ nông sản tại vùng đất Bàu Rế. Với những nỗ lực không ngừng, chị Xéo đã được chính quyền các cấp công nhận là Nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Anh Huỳnh Thanh Huy Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hải cho biết: Chị Xéo là tấm gương nông dân điển hình luôn có ý chí vươn lên. Từ một nông dân chị đã không ngừng phấn đấu và trở thành một giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp chủ lực của địa phương. Nổi bật là chị luôn tìm tòi, học hỏi cái mới, cái hay để áp dụng sản xuất. Chị là người có công đánh thức sức sống vùng đất Bàu Rế hoang hóa, góp phần xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Học tập cách làm của chị Xéo, nhiều nông dân ở làng Chăm Thành Tín đã khai hoang vùng đất cát hoang hóa Bàu Rế để trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: măng tây xanh, cà chua, cà rốt… đặc biệt là nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, biến vùng đất khô cằn Bàu Rế thành vùng đất xanh tươi cây trái.

Nói về “bí quyết” thành công, chị Châu Thị Xéo cho rằng: Chỉ có nỗ lực không ngừng mới đi đến thành công. Bản thân tôi đã không ngừng tìm tòi, học hỏi cái mới, cái khoa học để áp dụng vào sản xuất. Trong cái khó sẽ ló cái khôn, tôi đã tận dụng câu nói này của ông bà để liên tục vươn lên.