Đào tạo 100 chuyên gia triển khai Chính phủ điện tử

“Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử” vừa khai giảng khóa đào tạo trực tiếp đầu tiên. Chương trình nhằm đào tạo các cán bộ công nghệ thông tin (CNTT) trở thành lực lượng nòng cốt, các hạt nhân triển khai Chính phủ điện tử tại bộ, ngành, địa phương.

Việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức về Chính phủ điện tử đã được Chính phủ xác định là một trong những giải pháp chủ yếu để xây dựng Chính phủ điện tử. Để triển khai tốt nội dung này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận thấy, đào tạo các chuyên gia, các hạt nhân về Chính phủ điện tử trong mỗi bộ, ngành, địa phương, từ đó lan tỏa tri thức ra các cơ quan, đơn vị là biện pháp thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử triển khai đào tạo trực tiếp tại Hà Nội.

Theo kế hoạch, “Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử” tổ chức đào tạo cho mỗi bộ, ngành, địa phương một chuyên gia làm hạt nhân triển khai Chính phủ điện tử và sẽ hình thành một lực lượng chuyên gia Chính phủ điện tử từ trung ương đến địa phương, hợp lực để đề xuất giải pháp cho các vấn đề lớn trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số, nền kinh tế số ở Việt Nam.

Là đơn vị được Bộ TT&TT giao chủ trì triển khai việc đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử, thời gian vừa qua, do tình hình dịch bệnh, Cục Tin học hóa đã tổ chức các khóa học trực tuyến cho học viên của Chương trình thông qua hệ thống đào tạo từ xa.

Khóa đào tạo trực tiếp đầu tiên vừa được khai giảng sẽ kéo dài trong 2 ngày 11-12/6/2020, với sự tham gia của 100 học viên là Trưởng/ Phó phòng CNTT hoặc Giám đốc Trung tâm CNTT&TT của các đơn vị chuyên trách CNTT tại các bộ, ngành và các Sở TT&TT trong cả nước.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) khẳng định: "Nhân lực có vai trò quyết định trong xây dựng Chính phủ điện tử hay ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Với đội ngũ nhân lực làm CNTT, trong bối cảnh công nghệ luôn thay đổi, việc có kiến thức bao nhiêu cũng là không đủ. Cũng chính vì thế, cần phải có cơ chế để thường xuyên chia sẻ, cập nhật kiến thức".

“Các chuyên gia tham gia Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử cũng là những hạt nhân đầu tiên được gắn kết với nhau theo một cách mới, được tương tác, trao đổi cũng như được chia sẻ, cập nhật các kiến thức”, ông Dũng cho biết.

Khóa đào tạo sẽ mang lại cho các thành viên tham gia Chương trình những kiến thức chuyên sâu và bài học kinh nghiệm để có phương án giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai Chính phủ điện tử ở bộ, ngành, địa phương mình.

Theo TTXVN/Báo Tin tức