Đẩy mạnh cơ cấu ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có 252 đảng viên (ĐV) với 13 chi bộ trực thuộc, gồm các cơ quan quản lý nhà nước và một số đơn vị sự nghiệp trên địa bàn Tp Phan Rang Tháp Chàm. Nhận thức được vị trí của ngành, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Sở NN&PTNT đã tập trung lãnh đạo cán bộ (CB), ĐV, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành cơ bản những chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn ngành.

Nhìn lại giai đoạn 2015-2020, không chỉ đều đạt các chỉ tiêu chủ yếu của ngành và vượt 5/5 nhóm chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, Đảng bộ còn lãnh đạo xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án thuộc ngành của Trung ương và địa phương đúng tiến độ, góp phần cải thiện thu nhập nông dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong tỉnh. Nền kinh tế nông nghiệp đã từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua 3 đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, tạo ra giá trị sản sản xuất và giá trị gia tăng (GRDP) đều vượt chỉ tiêu của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao, đóng góp 28,1% vào tổng cơ cấu kinh tế chung của cả tỉnh. Ở khu vực nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 6%/năm, 100% khu dân cư tập trung được cấp nước sinh hoạt. Với tổng mức đầu tư khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 ước đạt 2.842,7 tỷ đồng, tăng gấp 6,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 nên đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn ngày nay và vượt chỉ tiêu kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình Trang trại hữu cơ Tiên Tiến (tháng 5-2020). Ảnh: V.M

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, công tác phát triển nông lâm thủy sản và kinh tế nông thôn giai đoạn 2016-2020 của ngành đạt được những kết quả phấn khởi, đặc biệt là thực hiện các khâu đột phá về: Đầu tư hạ tầng thủy lợi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, lợi thế của tỉnh và thu hút doanh nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Qua đầu tư hạ tầng thủy lợi, đã góp phần đảm bảo tưới, tiêu nước chủ động phục vụ sản xuất, nâng tổng số kênh mương nội đồng được kiên cố hóa lên 81,2 km (năm 2015 các địa phương chỉ mới kiên cố hóa được 4,38km). Về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án,… triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với gần 6.000 ha/vụ hằng năm; đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, ước đến 2020 có 1.911 ha; ứng dụng bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo hơn 140 ha; bao trái trên cây nho bằng túi chuyên dụng; san phẳng đồng ruộng bằng thiết bị laser 33ha,… Về thu hút doanh nghiệp, đã chủ động thu hút và phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai 11 dự án đã và đang đi vào hoạt động.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) trồng măng tây xanh cho thu nhập cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Sở NN&PTNT tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của CB, ĐV, công chức, viên chức trên cơ sở giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xây dựng Đảng bộ vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trước tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, toàn Đảng bộ xác định mục tiêu chung là tập trung lãnh đạo toàn ngành khai thác tốt nhất các lợi thế của vùng tiểu khí hậu khô hạn để tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm mở rộng và hoàn thiện hệ thống thủy lợi, tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây ăn quả đặc thù.

Về thủy lợi, tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình: Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ, hồ chứa nước Sông Than, hệ thống hồ Kiền Kiền, các dự án kết nối liên thông hồ chứa (đường ống Tân Mỹ về hồ Bà Râu-Sông Trâu, kết nối Hồ Sông Than về hồ Lanh Ra-Tà Ranh-Bàu Zôn, dự án kênh chuyển nước từ hồ Tân Giang về hồ Sông Biêu; dự án ADB8 và kiên cố hóa hệ thống kênh cấp 1, cấp 2, 3 hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm)…Về trồng trọt, tiếp tục chuyển đổi 2.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng ít sử dụng nước gắn với đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm (80% diện tích nho, táo, nha đam, măng tây được tưới tiết kiệm); ưu tiên phát triển vùng cây ăn quả đặc thù với 1.200 ha táo, 2.000 ha nho (phục vụ ăn tươi, du lịch, chế biến rượu vang và các sản phẩm từ nho, táo).

Vườn nho NH01-152 tại Trang trại Nho Ba Mọi (Phước Thuận) đạt sản lượng cao để phục vụ khách ăn tươi kết hợp với làm du lịch. Ảnh: Văn Nỷ

Về thủy sản, tập trung chỉ đạo sản xuất và hỗ trợ khai thác vùng khơi cho 785 tàu hiện đại hóa nghề (đầu tư phát triển thiết bị, công nghệ hiện đại), đến năm 2025 sản lượng hải sản khai thác đạt 110-115 ngàn tấn; phát huy hiệu quả lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên và nền tảng kỹ thuật, khoa học công nghệ cao để nâng chất lượng và phát huy thương hiệu tôm giống Ninh Thuận với sản lượng 41 tỷ con tôm giống/năm.

Để lãnh đạo hoàn thành mục tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị trên, toàn Đảng bộ Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, sâu sắc các mặt công tác xây dựng Đảng. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng; tập trung lựa chọn vấn đề trọng tâm, then chốt, khâu đột phá để ban hành các nghị quyết chuyên đề và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ CB, ĐV theo các Nghị quyết của cấp trên. Phấn đấu hằng năm có 100% chi bộ, đảng bộ lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; trong nhiệm kỳ, kết nạp từ 30-35 ĐV mới.