Bước đột phá trong đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, với tinh thần đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

Với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Những bước phát triển nhanh, mạnh của thành phố đã và đang mang lại niềm tin, đáp ứng sự kỳ vọng của mỗi người dân.

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng được đầu tư phát triển. Ảnh: Hữu Phương

Trong 5 năm qua, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương và của tỉnh, địa phương đã tập trung kêu gọi, thu hút vốn đầu tư gần 20.687 tỷ đồng từ các thành phần kinh tế để triển khai phát triển hạ tầng giao thông, các dự án khu đô thị mới, trung tâm thương mại, phát triển hệ thống dịch vụ khách sạn, nhà hàng,.. đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, chiếu sáng. Các công trình giao thông, thương mại, khu đô thị mới trọng điểm hoàn thành làm thay đổi mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, đô thị Phan Rang-Tháp Chàm, góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, thúc đẩy giao thương trong và ngoài khu vực, đưa Phan Rang-Tháp Chàm lên vị thế mới.

Điển hình trong phát triển hạ tầng giao thông, trong nhiệm kỳ qua nhiều dự án giao thông quy mô lớn được đầu tư, góp phần tăng khả năng kết nối và phát triển thành phố theo các trục Bắc- Nam, Đông-Tây; 100% đường giao thông trên địa bàn thành phố đã được nhựa hóa, bê tông hóa, tạo sự kết nối giữa các khu đô thị, cũng như kết nối nội thị. Đặc biệt, bám sát định hướng quy hoạch chung của tỉnh, Tp Phan Rang-Tháp Chàm là đô thị hướng biển, theo đó, thành phố đã đầu tư loạt công trình giao thông trọng điểm nhằm hướng tới mục tiêu này. Với 3 trục đường chính hướng biển, gồm Trần Phú-Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Thị Minh Khai; đường 16 tháng 4 và đường Hải Thượng Lãn Ông chạy song song và thằng xuống biển đã mở rộng không gian đô thị Phan Rang-Tháp Chàm về biển. Cùng với đó, sự kết nối tuyền đường Yên Ninh vào tuyến đường ven biển với 2 điểm nhấn cầu An Đông và Đập hạ lưu sông Dinh. Các công trình này đã mở ra cơ hội phát triển đối với khu vực phía Đông-Nam của thành phố, đồng thời tạo kết nối, mở rộng đô thị theo quy hoạch đã được duyệt.

Một góc đập hạ lưu sông Dinh. Ảnh: Văn Nỷ

Ở lĩnh vực thương mại, du lịch cũng thu hút nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển mạnh. Tạo điểm nhấn phải kể đến Trung tâm thương mại Vincom, khu đô thị mới Đông Bắc (K1), Bình Sơn-Ninh Chữ (K2), Nhà ở xã hội Phú Thịnh, Hacom Gallacity, 105 khách sạn, cơ sở lưu trú, trong đó điểm nhấn khu du lịch SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang sẽ mang đến 3.300 phòng nghỉ dưỡng cho du lịch Ninh Thuận. Với dự án này, lần đầu tiên Ninh Thuận có tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng biển chuẩn 5 sao quốc tế, với hệ sinh thái tiện ích khổng lồ như công viên nước, khu tương tác biển, công viên cộng đồng ven biển, hệ thống nhà hàng Á-Âu, hệ thống hồ bơi vô cực, cùng hàng loạt dịch vụ cao cấp khác… Các dự án thương mại, du lịch đã tạo cho bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng, trở thành điểm nhấn đẹp về kiến trúc và cảnh quan, đồng thời tạo ra giá trị mới trong phát triển, làm cho bộ mặt, diện mạo của phường đô thị hình thành rõ nét hơn, chất lượng cuộc sống đô thị được nâng lên; là điều kiện thuận lợi để phường đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển theo hướng đô thị du lịch.

Đồng chí Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Với tầm nhìn dài hạn, đầu tư khá đồng bộ những công trình trọng điểm đã làm nên diện mạo mới của đô thị trung tâm, văn minh và hiện đại. Kinh tế tăng trưởng khá, năng động, khẳng định vai trò trung tâm thương mại- dịch vụ của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp quá trình đô thị hóa và tiềm năng, lợi thế của đô thị biển. Diện mạo đô thị không ngừng đổi mới, khang trang, ngày càng hiện đại. Môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và coi trọng vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Đến nay, thành phố đã cơ bản đạt được 52/59 tiêu chuẩn đô thị loại II. Thành phố không ngừng đổi mới, tạo dấu ấn về đời sống văn hóa và tinh thần, chất lượng cuộc sống đô thị. Ấn tượng đổi thay của thành phố còn được thể hiện qua những chỉ tiêu phát triển đô thị, chỉ tiêu phát triển xã hội. Thu nhập bình quân đầu người đạt 83,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,97%; 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. An ninh chính trị, trật tự xã hội, an toàn giao thông chuyển biến tốt. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; đời sống văn minh đô thị được xây dựng với ý thức tự giác tham gia của cộng đồng dân cư. Những kết quả trong thực hiện chương trình trọng tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và mở rộng không gian thành phố theo quy hoạch đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) thành phố, nhất là đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu quan trọng, toàn diện mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Đồng chí Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm: Năm năm tới là thời kỳ thành phố tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn đô thị loại II, tích cực hội nhập các vùng kinh tế, nhất là vùng kinh tế trọng điểm, đòi hỏi toàn Đảng bộ và Nhân dân thành phố phải đoàn kết, nỗ lực rất cao, tận dụng thời cơ, phát huy lợi thế để phát triển. Huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, hoàn thiện và nâng cao chất lượng đô thị loại II, từng bước xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh. Khai thác tiềm năng, thế mạnh đô thị trung tâm thúc đẩy phát triển KT-XH trên cơ sở đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị; ưu tiên kêu gọi đầu tư các khu đô thị du lịch, khu đô thị ven biển, ven sông Dinh. Tiếp tục tăng mức đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân; tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn vốn, dự án đầu tư. Phấn đấu tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2020-2025 đạt từ 28.000-30.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển KT-XH.